Thủ tướng yêu cầu bảo đảm 'có học sinh phải có giáo viên đứng lớp'
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Chỉ đạo trên được Thủ tướng nhấn mạnh là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của ngành giáo dục trong năm học 2024 - 2025. Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể, thầy cô giáo là động lực, nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng".
2024 - 2025 cũng là năm học kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Từ đó, Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục cả nước thực hiện tốt 9 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới (trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn...); tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Thứ hai, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm xây dựng kế hoạch thực hiện, trình Chính phủ ban hành trong quý 3 năm nay.
Thứ ba, ngành giáo dục cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Thứ tư, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ GD&ĐT tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện chương trình phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Thứ năm, 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cần chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.
Thứ sáu, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Thứ bảy, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư, đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học.
Thứ tám, Bộ GD&ĐT cần xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác. "Thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đôi ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn", Thủ tướng giáo nhiệm vụ.
Thứ chín, ngành Giáo dục cần tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Trong đó, đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương lưu ý việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số.
Theo Thủ tướng, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. Từ đó thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; cùng với sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ mong toàn ngành quyết tâm, nỗ lực và hành động của mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội.