Thủ tướng yêu cầu chủ động đàm phán thuế quan với Mỹ
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành chủ động làm việc với phía Mỹ các vấn đề đàm phán về thuế quan.
Ngày 29-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để rà soát các công việc chuẩn bị đàm phán thương mại với phía Mỹ. Đây là lần thứ 6 Thủ tướng họp về việc triển khai các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về thích ứng với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc
Trên cơ sở các đại biểu dự họp thảo luận, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua Việt Nam đã triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp; các bộ ngành vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.
Kết quả đến nay cho thấy kết quả theo chiều hướng tích cực về các vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phức tạp nên các cơ quan phải bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến, phản ứng khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, khả thi, phù hợp; chủ động giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền.
Thủ tướng cho biết các cơ quan phía Việt Nam đã và đang rất tích cực xử lý các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, bản quyền, cắt giảm thủ tục hành chính. Các bộ ngành được yêu cầu phải chủ động làm việc với phía Mỹ, giải thích rõ những vấn đề mà phía bạn quan tâm mà chúng ta đã và đang làm.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cần khẩn trương đàm phán ký kết trong tháng 5-2025 các hợp đồng mua bán, nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ như khí LNG, máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản... nhằm bảo đảm cân bằng thương mại bền vững.
Cùng với đó, đàm phán trên tinh thần bình tĩnh, kiên định nhưng rất linh hoạt, không cầu toàn, không nóng vội, phải bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc, bảo đảm các cam kết quốc tế của Việt Nam, không vì được việc này mà làm ảnh hưởng đến việc khác, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Các cơ quan trao đổi với phía Mỹ để hai bên đưa thuế suất nhập khẩu với hàng hóa nhập khẩu của nhau về mức thấp và tương xứng. Đồng thời, đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao, góp phần cân bằng thương mại, chuyển giao công nghệ, thể hiện trách nhiệm của Mỹ theo tinh thần ủng hộ Việt Nam độc lập, mạnh, tự cường và thịnh vượng.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục sửa đổi cơ sở pháp lý để đáp ứng quan tâm của phía Mỹ trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, bảo đảm cam kết quốc tế và phù hợp với luật pháp của 2 bên.
Thủ tướng cho biết, vừa qua chúng ta đã tập trung sửa đổi rất nhiều luật, tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi nhiều luật có liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền, bảo vệ sở hữu trí tuệ, cắt giảm thủ tục hành chính... để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với ASEAN và các nước trong khu vực tiến hành đàm phán, bảo đảm hài hòa lợi ích, bảo đảm cân bằng thương mại bền vững hai bên và tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ.
Trước đó, vào chiều 2-4 theo giờ địa phương (tức sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế. Trong đó, hàng hóa Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20 - 26%. Trung Quốc chịu thuế 34%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với 46%. Sau đó, Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày.
Trước đó, vào chiều 2-4 theo giờ địa phương (tức sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế. Trong đó, hàng hóa Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20 - 26%. Trung Quốc chịu thuế 34%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với 46%. Sau đó, Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày.