Doanh thu Phân bón Cà Mau lên mức cao nhất 3 năm
Quý 1/2025, giá xuất khẩu ure tăng cao so với cùng kỳ năm trước đã góp phần thúc đẩy doanh thu Phân bón Cà Mau lên mức cao nhất 3 năm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM), quý 1/2025, doanh thu thuần của DCM đạt 3.406 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Trong đó, khoản doanh thu xuất khẩu ure của DCM tăng 16,9% YoY, lên 1.395 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp trong kỳ của doanh nghiệp đạt 885,1 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp đạt 25,9%.
Quý 1/2025, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 412,1 tỷ đồng, tăng 17% so với mức 349 tỷ đồng tại cùng kỳ năm trước. Doanh thu và lợi nhuận của DCM trong quý đều ở mức cao nhất 3 năm.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), quý 1/2025, DCM ghi nhận kết quả doanh thu tích cực chủ yếu nhờ hai yếu tố. Cụ thể, doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả đà tăng mạnh của giá phân bón ure thế giới, với giá xuất khẩu tăng 6% YoY và sản lượng ure xuất khẩu tăng 14% YoY.
Bên cạnh đó, sản lượng NPK của doanh nghiệp tăng mạnh 317% so với cùng kỳ năm trước; trong bối cảnh giá bán NPK tăng 93% YoY, chủ yếu nhờ ghi nhận đóng góp từ công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) (cùng kỳ năm trước chưa ghi nhận sản lượng từ KVF).
Tuy nhiên, theo VCBS, mặc dù doanh thu tăng trưởng cao nhưng một vài yếu tố đã kìm đà tăng lợi nhuận của DCM. Cụ thể, do giá phân đơn Kali và DAP (nguyên liệu sản xuất NPK) cũng tăng mạnh nên biên lợi nhuận gộp mảng NPK giảm 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Biên lợi nhuân gộp mảng ure chỉ tăng 6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước do giá khí đầu vào giảm (trong bối cảnh giá dầu Brent giảm 8% YoY nhưng giá dầu nhiên liệu tăng 7% YoY).
Ngoài ra, theo VCBS, chi phí tài chính đạt 19 tỷ đồng, tăng 36% YoY do chi phí lãi vay tăng 148% YoY; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 50% YoY, đạt 172 tỷ đồng cũng góp phần đưa lãi ròng của DCM giảm đà tăng trưởng so với doanh thu.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 31/3/2025 đạt 16.887 tỷ đồng, tăng 7% so với mức 15.728 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2025.
Trong đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 9%, lên 3.278 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng cao gấp 3,5 lần, lên mức 1.051 tỷ đồng.
Nợ phải trả của DCM đến ngày 31/3/2025 ở mức 6.322 tỷ đồng, tăng 13,8% so với mức 5.551 tỷ đồng tại ngày đầu năm 2025. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của doanh nghiệp tăng từ 233 tỷ đồng tại ngày đầu năm lên 587 tỷ đồng tại ngày cuối kỳ này.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tại ngày cuối kỳ tăng 38%, lên 1.700 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm 13,8%, đạt 102,9 tỷ đồng.