Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao.
Sáng 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay (mục tiêu trước đây là 95%).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP).
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công
Sau khi các Phó Thủ tướng và lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trao đổi cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, đề xuất hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với những báo cáo, ý kiến phát biểu nêu được kết quả nổi bật, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đạt được, nhất là 10 bộ, cơ quan và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.
Chỉ rõ một số hạn chế, nguyên nhân cần nghiêm túc khắc phục và các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; từ đó thúc đẩy đầu tư công năm 2025.
Thủ tướng cho rằng, kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn sơ sài; những nơi mà Bí thư cấp ủy chưa sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc, thì giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của một số ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, đơn vị tư vấn, nhà thầu còn yếu; còn tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; sự phối hợp giữa cơ quan, địa phương thiếu chặt chẽ.
Đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, cần quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.

Quang cảnh hội nghị ngày 20/5 (Ảnh: VGP).
Quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn; tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chủ động, tích cực tổ chức thực hiện, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại đơn vị, công trường kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, triển khai, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đánh giá đầu tư công, nhất là dữ liệu về đất đai, môi trường và dữ liệu đánh giá nhà thầu.
Đồng thời, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Hội nghị kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: VGP).
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng. Những dự án khó, phức tạp, Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo. Vận dụng sáng tạo các quy định, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ liên quan khẩn trương hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá, hoàn thành trước ngày 15/6.
Về vốn ODA, Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất sửa đổi các nghị định, luật liên quan, nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội thời gian sớm nhất.
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu để trình Quốc hội, đồng thời các cơ quan, địa phương phải tăng cường trách nhiệm để lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực. Các Phó Thủ tướng hỗ trợ bộ, ngành, địa phương trong việc này.
Các Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, nếu vướng mắc đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết xử lý.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Các cơ quan chuẩn bị khen thưởng những đơn vị, cơ quan, tập thể, cá nhân làm tốt trong dịp này.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác công tư trong triển khai các dự án; riêng những dự án mở rộng các tuyến cao tốc đã vận hành, mạnh dạn giao doanh nghiệp đủ uy tín, năng lực, đã và đang làm tốt.
Đồng thời, yêu cầu tập trung hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc, 1.000km đường ven biển, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng… bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường và đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Bộ Tài chính, năm 2025, tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị là hơn 829.000 tỷ đồng; đã phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương gần 826 tỷ đồng. Đến ngày 30/4, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án gần 818.000 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tính đến 30/4, cả nước giải ngân đầu tư công hơn 128.000 tỷ đồng, đạt 15,56%. Trong đó, giải ngân vốn ngân sách Trung ương khoảng 476 tỷ đồng, đạt hơn 13%; giải ngân vốn ngân sách địa phương hơn 81.000 tỷ đồng, đạt hơn 17%; giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 4.700 tỷ đồng, đạt hơn 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2025, 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp.