Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn giao năm 2025
Sáng 20-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành. Tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang do Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 4 tháng đầu năm được trên 128,5 ngàn tỷ đồng, cao hơn 18 ngàn tỷ đồng so với cùng năm 2024. Tuy nhiên, có 8 ngàn tỷ đồng chưa được phân bổ chi. Kết quả giải ngân 4 tháng đạt 15,56%. Trong đó có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh trên 7.002 tỷ đồng; trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 4.138 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 2.863 tỷ đồng. Ngày 29-4, HĐND tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết số 14 về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 với tổng số vốn 7.858 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách địa phương hơn 4.994 tỷ đồng và hơn 2.863 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương. UBND tỉnh cũng đã phân bổ chi tiết 100% kế hoạch. Tính đến ngày 20-5, tổng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Tiền Giang hơn 1.790 tỷ đồng, đạt 25,6% kế hoạch đầu năm.
Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng đầu năm. Đồng thời, nêu lên các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; đề xuất Chính phủ tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, điểm sáng trong công tác đầu tư công của nước ta trong những tháng đầu năm là công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; có kiểm tra, đôn đốc, giám sát; tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư công.
Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện liên quan đến đôn đốc đầu tư công. Các nội dung đầu tư công được đưa vào chương trình làm việc của Thường trực Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành; phát huy được vai trò các tổ công tác của Chính phủ trong đôn đốc đầu tư công.
Thủ tướng biểu dương 10 bộ, ngành và 36 địa phương (trong đó có tỉnh Tiền Giang) có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao; biểu dương tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân trên công trường, nhất là dịp lễ, tết; cảm ơn nhân dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cơ bản tốt. Bên cạnh đó, nổi lên các vấn đề như: Giải phóng mặt bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải ngân vốn ODA, nguồn cung nguyên vật liệu…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương được giao nhiều vốn cần phải cố gắng, lãnh, chỉ đạo tập trung để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Một số công trình, dự án trọng điểm giao cho các địa phương tiến độ cũng còn chậm, cần phải cố gắng hơn.
Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn giao trong năm 2025. Bởi đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là những vùng khó khăn; tạo không gian phát triển mới; giảm chi phí logictics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa; giải quyết khó khăn của các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện cụ thể để lãnh, chỉ đạo sát sao; đôn đốc, kiểm tra, xử lý, tháo gỡ những vướng mắc ngay tại đơn vị, công trường kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Các bộ, ngành và địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công; trong đó, có việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, đánh giá các nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát…
Người đứng đầu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của cấp trên; tổ chức thực hiện, lãnh, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; nâng cao vai trò của bí thư cấp ủy và chính quyền các cấp. Thủ tướng yêu cầu cần tập trung lãnh, chỉ đạo phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào ra việc nấy, làm việc nào dứt việc nấy; có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư không dàn trải.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, các dự án có giải phóng mặt bằng thì các bộ, ngành và địa phương phải tách ra làm riêng. Cả hệ thống chính quyền phải vào cuộc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; Bí thư Tỉnh ủy phải vào cuộc quyết liệt, tinh thần là vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình của địa phương.
Về nguyên vật liệu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các địa phương; các địa phương vận dụng sáng tạo các quy định. Về các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, các bộ, ngành có liên quan phải hoàn thành trước ngày 15-6.
Về quy hoạch, Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc làm việc để bàn giải quyết dứt điểm các quy hoạch; nhưng các quy hoạch ngành, các bộ, ngành phải giải quyết. Công tác chuẩn bị đầu tư phải thực hiện tốt hơn, nhất là đầu tư công trung hạn…