Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt hoạt động môi giới bất động sản
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng đánh giá, tham mưu đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với môi giới bất động sản.
Ngày 28/6 vừa qua, TheLEADER có bài viết 90% môi giới bất động sản yếu kém gây nhũng loạn thị trường phản ánh phần lớn môi giới hiện nay không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực yếu kém. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sốt đất ảo ở nhiều địa phương.
Liên quan đến nội dung này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng đánh giá, tham mưu đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với hoạt động môi giới bất động sản.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tính đến tháng 6/2019, cả nước có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động lĩnh vực môi giới nhưng chỉ có 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo Luật Kinh doanh bất động sản 2006, còn theo luật mới là 8.000 người. Tính ra, tỷ lệ môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề là hơn 88%.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện chỉ có khoảng 1.000 đơn vị thành lập sàn giao dịch trong số hàng vạn công ty tham gia dịch vụ môi giới bất động sản.
Trong khi đó, các doanh nghiệp không đăng ký hoạt động sàn giao dịch bất động sản vẫn được tham gia hoạt động kinh doanh các lĩnh vực như là sàn giao dịch; bao gồm môi giới, tư vấn, phân phối mà không chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý thị trường.
Bài viết dẫn nhận định của ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho rằng, phần lớn lực lượng môi giới hiện nay đều thiếu kiến thức căn bản để hành nghề, đặc biệt là kiến thức về pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Môi giới bất động sản chủ yếu hoạt động không khác gì người “dẫn mối” hoặc sale bán hàng. Không ít môi giới đã "bắt tay" với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất ở khắp các địa phương trên cả nước, gây náo loạn thị trường, đồn thổi giá đất để trục lợi.
Nhiều khách hàng là nạn nhân bị “cò đất” lừa đảo, mất trắng tài sản tích cóp cả một đời người. Hệ lụy để lại cho xã hội là vô cùng to lớn.
Vì sao môi giới bất động sản bị gọi là cò nhà đất?
Trước thực trạng này, trao đổi với TheLEADE về giải pháp quản lý môi giới bất động sản, giúp thị trường minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trước hết, hoạt động môi giới bất động sản cần phải được chuyên nghiệp hóa lên một tầm cao hơn.
Theo đó, môi giới bất động sản giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống các kênh phân phối trên thị trường. Họ là trung gian giữa người bán và người mua.
Đối với người bán, môi giới bất động sản giúp tư vấn cho các chủ đầu tư đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người mua nhà từ thiết kế, chất lượng đến chính sách giá cả. Còn đối với người mua, môi giới bất động sản là nhà tư vấn, thẩm định dự án, giúp họ lựa chọn được sản phẩm phù hợp, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cho họ.
Chính vì vai trò trung gian vô cùng quan trọng này nên nếu không có môi giới bất động sản mà chỉ là giao dịch giữa người bán và người mua với nhau thì người bán có thể truyền tải thông tin sai sự thật về sản phẩm, lừa đảo khách hàng. Trong khi đó, khách hàng lại không có khả năng kiểm chứng thông tin về dự án bất động sản đó.
Vai trò của sàn giao dịch bất động sản chính là nhằm hướng đến sự minh bạch của thị trường và là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo ông Đính, pháp luật hiện nay lại không xem trọng vai trò của nhà môi giới. Các chính sách, quy định pháp luật về nghề môi giới đang đặt môi giới bất động sản và các sàn giao dịch vào vị trí rất yếu thế do quy định không bắt buộc việc bán dự án bất động sản phải qua sàn.
Để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, vì lợi ích của khách hàng, ông Đính cho rằng, các quy định pháp luật nên quy định sàn giao dịch trở thành hoạt động có điều kiện, các chủ đầu tư bán bất động sản bắt buộc phải qua sàn.
Sàn giao dịch bất động sản cần được định vị là trung tâm của thị trường, là đối tượng trung gian, cân bằng mọi hoạt động của thị trường bất động sản. Nếu không làm được điều này, thị trường sẽ luôn luôn hỗn loạn do các hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, gây rủi ro cho nhà đầu tư, khách hàng trên thị trường bất động sản.
Giải pháp thứ hai nhằm ngăn chặn việc môi giới bất động sản gây nhiễu loạn thị trường theo ông Đính là cần phải nâng cao năng lực của những người làm nghề môi giới.
Theo đó, ông Đính thừa nhận, phần lớn môi giới bất động sản hiện chưa được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hoạt động bình thường. Hệ quả tất yếu là chất lượng dịch vụ môi giới không đảm bảo, nhiều môi giới lừa đảo, gây nên nhiều rủi ro cho khách hàng.
Nguyên nhân của thực trạng này là do việc quản lý đối với môi giới bất động sản của nhà nước nói chung và các địa phương chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương không mặn mà trong việc tổ chức các cuộc thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề cho môi giới do thiếu kinh phí, không có kinh nghiệm triển khai. Nhiều địa phương chỉ tổ chức 1, 2 lần thi sát hạch một năm, mỗi lần vài trăm người. Điều này đã dẫn đến môi giới bất động sản không được tham gia sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề.
Để khắc phục tình trạng này, ông Đính cho rằng, các quy định pháp luật cần cởi mở hơn trong tổ chức thi sát hạnh. Nếu các địa phương không thể tổ chức thi sát hạch thì có thể giao cho hội nhà nghề là Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (hiện đang là đơn vị phối hợp tổ chức) để trực tiếp đứng ra tổ chức thi.
Điều này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho các địa phương do hội có cộng đồng các nhà môi giới, có chuyên môn nghiệp vụ về nghề và có kinh phí xã hội hóa để tổ chức các kỳ thi, trong khi các địa phương phải sử dụng đến ngân sách nhà nước.
Đồng thời, khi cấp chứng nhận hành nghề cho môi giới bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước nên cấp mã số hành nghề quốc gia cho từng môi giới. Mọi hoạt động giao dịch của môi giới bất động sản phải cập nhật vào hệ thống công nghệ.
Làm được như vậy, hoạt động môi giới bất động sản sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, tránh việc môi giới lừa đảo khách hàng, bán một sản phẩm cho nhiều khách hàng hoặc giao dịch tại những dự án chưa đủ điều kiện pháp luật.
Cũng theo ông Đính, nhằm hướng tới một thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững, thời gian vừa qua, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã có nhiều hoạt động nâng cao chất lượng của nhà môi giới.
Theo đó, hội đã ban hành những bộ giáo trình được tổng hợp từ kinh nghiệm về nghề môi giới của nhiều quốc gia trên thế giới. Hội Môi giới bất động cũng đã ban hành bộ quy tắc đạo đức hành nghề và hệ thống ngân hàng câu hỏi phục vụ việc thi sát hạch mà nhiều địa phương đang sử dụng.
Mặt khác, hội cũng có sự kết nối, hợp tác với nhiều tổ chức trong ngoài nước về nghiệp vụ môi giới, thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên sâu, các lớp đào tạo môi giới bất động sản thông qua việc liên kết với các trường đại học.
Đây là những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chuẩn mực của nghề, làm cơ sở để hướng tới xây dựng đội ngũ môi giới bất động sản chuyên nghiệp, chuẩn hóa cho thị trường bất động sản, ông Đính chia sẻ.