Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thành cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng kế hoạch, đặc biệt là tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Cam Lâm-Nha Trang.

Tại buổi thông xe đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017 – 2020) sáng 29-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc đưa vào khai thác hai tuyến này đã rút ngắn thời gian đi lại giữa Bình Thuận - TP.HCM, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa và các địa phương khác.

Tổng chiều dài khai thác cao tốc Bắc-Nam đạt khoảng 800 km

Nhấn mạnh Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho biết trong những năm qua nhiều công trình đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Cạnh đó, mở ra không gian phát triển mới để phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.

“Đặc biệt kéo giảm chi phí logistics, một trong những vấn đề mà chúng ta rất đau đầu. Vì chi phí logistics trong nước đang ở mức khoảng 17% , trong khi đó các nước khu vực chỉ 12-13%, làm cho khả năng cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao…” - Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng cắt băng khánh thành dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: P.PHONG

Thủ tướng cắt băng khánh thành dự án Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: P.PHONG

Với việc đưa hai dự án trên vào khai thác đã nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc-Nam đạt khoảng 800 km, và dự kiến sẽ đạt khoảng 950 km khi các đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Cam Lâm - Nha Trang hoàn thành trong tháng 5 tới.

Hoàn thiện các hạng mục còn lại trước 30-6

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, hoàn thành đồng bộ dự án trước ngày 30-6. Trong quá trình vận hành khai thác phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp để các đơn vị sớm hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, cũng như phối hợp trong quá trình tổ chức khai thác tuyến cao tốc đảm bảo an toàn, hiệu quả..

Thủ tướng nêu rõ một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ việc triển khai các dự án cao tốc thời gian qua. Đó là phải có cách làm, tư duy, cách tiếp cận mới, đặc biệt quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, lấy hiệu quả làm thước đo.

Việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…

“Phải quan tâm đến đời sống của người dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tôi muốn nhấn mạnh là làm sao để đời sống nhân dân phải tốt hơn và ít nhất là bằng nơi ở cũ một cách bền vững cả về vật chất và tinh thần…”- Thủ tướng nói.

Đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến còn lại

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam vào khai thác đúng kế hoạch, nhất là tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Cam Lâm - Nha Trang. Song song đó, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông-Tây, các dự án Vành đai TP.HCM và Hà Nội.

Dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: V.LONG

Dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: V.LONG

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc, và tới năm 2030 có khoảng 5.000 km cao tốc.

Theo Bộ GTVT, tính cả các tuyến đường trục ngang và tuyến Bắc-Nam, đến nay, cả nước đã hoàn thành 1.580 km cao tốc, trong đó giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1.163 km và chỉ riêng 3 năm gần đây đưa vào khai thác 416 km.

Như vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, chúng ta phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Cùng với đó, chúng ta đang nghiên cứu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tiếp tục xây dựng các sân bay, cảng biển…

“Đây là khối lượng công việc rất lớn, rất nặng nề, với yêu cầu rất cao, phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Các quy định khi lưu thông trên cao tốc

Do dự án cao tốc Bắc – Nam chưa thông toàn tuyến, nên khi lưu thông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, các phương tiện được di chuyển từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối quốc lộ 45 và quốc lộ 47.

Cụ thể, theo hướng Bắc - Nam, xe tải trên 10 tấn không được lưu thông; xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Hà Lĩnh (Km306+000); xe khách trên 16 chỗ ngồi được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Gia Miêu (Km295+460).

Trên tuyến bố trí các vị trí dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/ điểm trên cùng một chiều xe chạy.

Các phương tiện được phép chạy tối đa 80 km/h. Hiện Bộ GTVT đang giao chủ đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam đầu tư phân kỳ với mặt cắt ngang 4 làn xe tiến hành rà soát, đánh giá việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h và sẽ tổ chức điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.

Về việc tổ chức giao thông tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT cho biết phương tiện được lưu thông với tốc độ tối đa 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.

Về phương án khai thác, trước mắt, dự án đưa vào khai thác 3/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; xe máy, xe mô tô hai bánh; máy kéo, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-som-hoan-thanh-cao-toc-phan-thiet-vinh-hao-cam-lam-nha-trang-post731006.html