Thủ tướng yêu cầu tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, phấn đấu đưa kinh tế tăng trưởng hai con số ngay trong năm 2025.
Nỗ lực cao nhất để đạt tăng trưởng hai con số
Trước đó, tại báo cáo tình hình kinh tế xã hội, tại hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ, phấn đấu đạt mức tăng GDP 8% vào năm 2025, tạo đà tăng tốc cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tuy nhiên, tại Công điện số 140/CĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 27/12/2024, mục tiêu tăng trưởng hai con số đã được đặt ra ngay trong năm 2025.
Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Con số tăng trưởng hai con số này đã vượt rất xa so với mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% đã được Quốc hội đề ra cho năm tới.
Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo đó, nằm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021 - 2025. Đây cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu để đưa kinh tế tăng trưởng bứt phá.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ ngành địa phương cần sớm xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia.
Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
Cùng với quyết tâm cao từ trung ương đến địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Theo đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cần đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư.
Các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, cần được rà soát, sớm tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ. Cả nước phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tăng cường thu hút các dự án có quy mô lớn, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Hydrogen.
Việc hình thành các chuỗi cung ứng cần được kết nối đẩy mạnh để doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bộ Công thương cần tăng cường các giải pháp kích thích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới hiệu quả; gắn kết giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Với xuất khẩu, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, đưa sản phẩm Việt Nam có mặt mọi nơi trên thế giới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Ngành du lịch cần phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước.
Tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới
Cùng với các động lực tăng trưởng truyền thống, các động lực tăng trưởng mới cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và truyền thông đẩy mạnh việc tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh cũng được chú trọng. Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực như năng lượng, giao thông, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp.
Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, trình Chính phủ trong quý I năm 2025.
Các bộ ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, nâng cao hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.
Tập trung cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực
Trong công điện, thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa; phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế.
Các bộ ngành cần triển khai hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.
Tư duy sản xuất nông nghiệp cần chuyển mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục, đào tạo, dạy nghề cũng cần đổi mới căn bản, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nguồn nhân lực chất lượng cao cần đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghệ và các ngành mới, nhất là trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, điện hạt nhân...
Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển; đa dạng hóa nguồn vốn, khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Hệ thống pháp luật cần tiếp tục hoàn thiện để đồng bộ, nhất quán, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân. Các bộ ngành cần xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.
Các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, cần tăng cường gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu thông qua liên kết doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.
Tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế
Đối với điểm nghẽn thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật cần vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới.
Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh
Song song với việc cải cách thể chế, các bộ ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cần được đẩy nhanh triển khai, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định.
Các bộ, cơ quan, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Mỗi bộ ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, khẳng định uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh.