Thủ tướng yêu cầu tất cả thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp phải trực tuyến
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục liên quan doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến trong năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành công điện khẩn, yêu cầu các bộ ngành và địa phương tăng tốc hoàn tất việc rà soát và cắt giảm mạnh thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Công điện số 69/CĐ-TTg, ký ngày 22/5, là bước tiếp theo trong chương trình cải cách hành chính quy mô lớn được đặt ra tại Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, mục tiêu là cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo triển khai mạnh mẽ mô hình hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra và giảm sát, nhằm xóa bỏ cơ chế “xin – cho” và tư duy “không quản được thì cấm”.
Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Công điện nêu rõ chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng cũng thúc đẩy áp dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt trong thành lập và giải thể doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế và bảo hiểm…
Mục tiêu là toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạnh, hiệu quả, minh bạch và giảm tối đa giấy tờ, không phụ thuộc địa giới hành chính, hoàn thành trong năm 2025.
Song song với đó, 307 thủ tục đã được phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg sẽ phải hoàn tất triển khai trước ngày 30/6. Tất cả thủ tục hành chính nội bộ cũng phải được rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phù hợp với quy định mới về phân cấp, phân quyền, tinh giản bộ máy và thực hiện mô hình chính quyền hai cấp.
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thực hiện. Báo cáo định kỳ phải được gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 25 hàng tháng. Văn phòng Chính phủ sẽ theo dõi, đôn đốc và kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thống kê của các bộ ngành, địa phương đến ngày 20/5 cho thấy tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hàng năm là hơn 120.000 tỷ đồng. Liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh có4.377 thủ tục hành chính (chiếm 68,8%), đa phần là thuộc quản lý của các bộ ngành.
Đồng thời có 8.977 điều kiện kinh doanh; 3.086 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; 886 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; 640 chế độ báo cáo của doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu cập nhật đầy đủ các thống kê này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trước ngày 10/6.
Cuộc cải cách này là một phần trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, với trọng tâm tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thuận lợi hơn.