Thử vật thể bay - sách lược đàm phán của Triều Tiên?

Giới chuyên gia nhận định rằng, động thái liên tiếp phóng vật thể bay nằm trong chiến thuật của Bình Nhưỡng.

Ngày 16.8, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng hai vật thể chưa xác định về phía biển Nhật Bản. Giới chuyên gia nhận định rằng, động thái liên tiếp phóng vật thể bay nằm trong chiến thuật của Bình Nhưỡng.

Lại phóng thử vật thể…

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các vật thể được phóng từ thị trấn Tongchon ở tỉnh Kangwon. JCS cho biết quân đội Hàn Quốc đang giám sát vụ việc đề phòng các vụ phóng thử tiếp theo trong khi vẫn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Đây là lần thứ sáu kể từ cuối tháng 7, Triều Tiên tiến hành phóng thử các vật thể bay được cho là các loại vũ khí mới. Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thử các vũ khí dẫn đường chiến thuật mới hôm 25/7, phóng thử hai hệ thống tên lửa dẫn đường lần lượt vào các ngày 31.7 và 2.8, hôm 6.8 được cho là thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn và phóng hai vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày 10.8 vừa qua. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng gọi những vụ phóng thử này là "lời cảnh báo mạnh mẽ" tới cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, bắt đầu từ hôm 11.8. Bình Nhưỡng cáo buộc các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc là hành động "diễn tập xâm lược" Triều Tiên. Trước khi các vụ phóng thử diễn ra, Ủy ban Thống nhất Triều Tiên đã ra thông báo chỉ trích Hàn Quốc gây ra những bế tắc trong việc thực thi Tuyên bố Panmunjom giữa hai miền.

Triều Tiên phóng thử tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới ngày 6.8

Triều Tiên phóng thử tên lửa dẫn đường chiến thuật kiểu mới ngày 6.8

Một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) kéo dài nhiều giờ đã diễn ra ngay sau động thái phóng vật thể bay mới nhất này của Triều Tiên. Cuộc họp đã nhất trí duy trì tình trạng phòng thủ vững chắc để đối phó với bất kỳ tình huống quân sự nào thông qua cuộc tập trận chỉ huy chung giữa Hàn Quốc và Mỹ về chuyển giao quyền kiểm soát tác chiến thời chiến. Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc không tiết lộ đánh giá của mình về loại vũ khí Triều Tiên vừa phóng, chỉ nói rằng các nước đồng minh sẽ phối hợp chặt chẽ để có những phân tích liên quan. Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 16/8 cũng kêu gọi Triều Tiên ngừng các vụ phóng tên lửa, bày tỏ quan ngại rằng những hành động như thế của Bình Nhưỡng sẽ làm leo thang căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Phản ứng về động thái của Triều Tiên, một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ ngày 16.8 cho biết Washington đã nhận được những báo cáo về vụ phóng mới của Triều Tiên và đang phối hợp với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để giám sát tình hình. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cùng ngày nêu rõ chưa xác định bất cứ vật thể nào bay vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và vụ phóng mới của Triều Tiên không tạo ra các mối đe dọa an ninh trước mắt đối với quốc gia này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước khác.

… và chiến thuật của Triều Tiên

Theo nhận định của giới phân tích, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có nhiều lý do để liên tiếp phóng thử các vật thể bay. Đó là sự bất bình trước cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, những nỗ lực ngoại giao bấp bênh với Mỹ và mục đích bảo vệ quốc gia. Tốc độ gia tăng các vụ thử và phô diễn những vũ khí mới của Triều Tiên đồng nghĩa với việc cơ hội để Mỹ đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng đang trượt khỏi tầm tay. Cựu chuyên gia an ninh châu Á thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Lindsey Ford bình luận: “Đây là một lời nhắc nhở có chủ đích rằng nếu con đường ngoại giao thất bại thì Triều Tiên sẽ chỉ mạnh mẽ hơn và có nhiều năng lực hơn so với 4 năm trước”.

Động thái chỉ trích Hàn Quốc về việc tiến hành tập trận chung với Mỹ được các chuyên gia cho là chiến thuật điển hình của Triều Tiên. Mục tiêu của Triều Tiên là thực hiện đối thoại trực tiếp với Mỹ đồng thời chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc. Trong thời gian tới, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục sử dụng hai chiến lược là chỉ trích quyết liệt Hàn Quốc, đồng thời thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều. Các nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) ở Singapore cho rằng, những động thái này là một phần trong chiến thuật đàm phán của Triều Tiên. Bình Nhưỡng muốn gia tăng vị thế đàm phán của họ trước khi các cuộc đàm phán được nối lại và Bình Nhưỡng sẽ sớm quay trở lại các cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên.

Điều này cũng đồng nghĩa rằng quan hệ liên Triều “thăng trầm” như thế nào phụ thuộc vào sự tiến triển của cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa được nối lại và giới phân tích cho rằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là nhằm nâng cao năng lực quân sự cũng như đòi hỏi thêm nhượng bộ, song Washington vẫn chưa cho thấy dấu hiệu “lung lay” trong vấn đề then chốt là nới lỏng trừng phạt. Nếu Triều Tiên quyết định sử dụng quân "át chủ bài" là phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, với tính toán rằng điều đó sẽ khiến Mỹ đưa ra lập trường đàm phán mềm mỏng hơn theo hướng có lợi cho Bình Nhưỡng, thì có lẽ nước này đã nhầm bởi vụ phóng đó chắc chắn sẽ gây ra những lời chỉ trích mạnh mẽ hơn từ phía Mỹ và Hàn Quốc. Chính vì thế, có lẽ Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn mang tính chiến thuật hiện nay để lái các cuộc đàm phán theo hướng Bình Nhưỡng mong muốn và vào thời điểm nước này lựa chọn.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/binh-luan/thu-vat-the-bay---sach-luoc-dam-phan-cua-trieu-tien-114513