Thu về - nhớ ba
Tôi sống xa quê hương đã hơn 30 năm; cứ mỗi độ thu về, ngồi ngắm những giọt mưa thánh thót rơi, hình ảnh người ba lại hiện về trong ký ức tôi suốt từ thời lên tám lên mười cho đến tận bây giờ đã ở cái tuổi ngoài năm mươi.
Tuổi trẻ của ba là những năm tháng đầy bất hạnh. Vì là con út trong gia đình có 10 anh chị em, nên năm ba lên tám thì ông nội mất. Ba chỉ đi học biết đọc, biết viết rồi ở nhà đi làm, sinh sống cùng với anh chị hai vì bà nội cũng về với ông bà khi ba tôi tròn 14 tuổi. Hình ảnh của ba đối với tuổi thơ tôi là năng nổ với những công việc nặng nhọc cày bừa, gặt hái trên các cánh đồng; lanh lẹ trên sân bóng đá và đặc biệt ba có một giọng hát thiên phú êm tai dễ khắc vào trí nhớ của các cô gái cùng thế hệ. Bởi vậy, tuy nhà nghèo, ba mẹ mất sớm phải mưu sinh cuộc sống cùng với các anh, các chị nhưng ba được rất nhiều người yêu thương, quý mến nên chỉ mới mười chín tuổi đã gặp mẹ tôi và nên vợ, nên chồng. Ở những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ba mẹ tôi đã có tình yêu đôi lứa chứ không như những nam thanh, nữ tú cùng thời phải nhờ đến mai mối thì mới được về chung một nhà. Kết quả tình yêu của ba mẹ là lần lượt 10 anh em của chúng tôi ra đời. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền; sách vở, việc học hành của các con làm ba mẹ tôi quên tất cả niềm vui và tuổi trẻ của bản thân mình. Với bản chất cần cù, chịu khó và nhu cầu của cuộc sống nên hầu như việc gì ba tôi làm cũng được. Khi anh em tôi còn nhỏ ba vừa đi cày, vừa chăn bò; cuốc gốc, làm cỏ bờ ruộng. Tối về, ông tranh thủ đào ao thả cá, làm chuồng nuôi heo, nuôi gà; trộn rơm với đất bùn trét vách nhà. Ai gọi gì ba tôi làm nấy, cày thuê, cuốc mướn; thậm chí áo quần anh em tôi rách đều được ba khâu vá chứ cũng không đến lượt mẹ. Sau năm 1975, đất nước thống nhất hai miền Nam – Bắc, ba tôi là xã viên hợp tác xã tiêu biểu; tổ cày, tổ xe bò ba đều tích cực tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ảnh minh họa.
Tôi nhớ một lần, thời gian đó là đầu năm 1980 khi mẹ vừa mới sinh em gái thứ sáu trong nhà; nếu như thông thường thì xong việc hợp tác xã ba đã về sớm với gia đình. Nhưng hôm nay có cuộc họp quan trọng, tới tối khuya ba mới về, tôi ra mở cửa thì nghe nặc nồng mùi rượu, ba ôm tôi xoa đầu bảo vào ngủ đi con. Tôi như nghe trong tiếng nói của ba nghèn nghẹn và vì đêm khuya nên tôi không thấy nước mắt đang chảy tràn trên đôi gò má gầy gầy, xương xương, sạm đen bởi cuộc sống khổ cực của ba. Vì ít học nên dù có tư chất và khả năng, cùng với tính chịu thương, chịu khó và sức khỏe tốt, bao quát tất cả công việc; giúp đỡ và được nhiều người trong hợp tác xã quý mến, suốt đời ba chỉ làm anh tổ trưởng tổ cày; mặc dù nhiều lần được đề bạt làm đội trưởng nhưng rồi bị gạt ra. Những ước mơ thời trẻ ba không có điều kiện thực hiện vì cha mẹ mất sớm, học hành không được bao nhiêu, lớn lên bị xã hội không trọng dụng. Từ đó, mọi suy nghĩ, tính toán ba dồn hết cho các con của mình. Ba thường nói với tôi: “Dù có cực khổ, khó khăn đến mấy, ba mẹ cũng phải ráng nuôi các con ăn học, khôn lớn nên người; không có học thì suốt đời sẽ cực khổ, tủi nhục. Chỉ có con đường học vấn thì mới đưa con người ta tới chân trời mơ ước”. Và cũng từ đó dù có bận rộn bao nhiêu ba cũng quan tâm nhắc nhở anh em chúng tôi cố gắng học hành. Bất kỳ lý do gì anh em tôi không được có khái niệm “nghỉ học ở nhà giúp đỡ gia đình”. Tôi là anh cả của một đàn em, từ nhỏ tôi đã cùng ba trải qua những tháng ngày vất vả của cuộc sống mưu sinh trong thời kỳ bao cấp gian nan cực khổ. Bù lại tôi rất ham học, thích đọc sách và sáng dạ nên học bài rất mau thuộc và làm xong tất cả các bài tập thầy cô giáo cho về nhà ngay tại lớp.
Những đêm mùa hè theo ba đi ở rừng làm rẫy; ba thường hồi tưởng quãng đời sôi nổi thời thanh niên, ba kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về thường ngày trong cuộc sống, người ít học sẽ bị nhiều thiệt thòi kể cả trong thời bình lẫn thời chiến. Qua những câu chuyện, tôi hiểu rằng ba muốn anh em chúng tôi phải cố gắng học hành dù khó khăn đến mấy, đừng ham chơi mà gác lại những khát khao kiếm tìm kiến thức để phục vụ cho cuộc sống sau này. Ngày tôi thi đậu vào trường đại học, ba rất vui mừng và cầu mong tôi sẽ thành công trong chặng đường nhiều gian nan, khổ cực ở phía trước. Ba luôn hy vọng tôi sẽ thành công và có một cuộc sống tâm hồn thoải mái. Ngày tốt nghiệp đại học văn khoa, ba đến trường chúc mừng tôi và nói: “Cuộc sống giàu nghèo đều có số cả con ạ, nhưng ba tin rằng con sẽ có một đời sống tinh thần phong phú, phù hợp với mơ ước của con và phù hợp với thời đại ngày nay”. Niềm hy vọng của ba về tôi giờ đã một phần trở thành hiện thực, thì ba tôi đã đi xa hơn chục năm rồi. Ba mất ở tuổi 66, lứa tuổi mà thế hệ bây giờ mới thực sự thảnh thơi, sống cho riêng mình cùng các sở thích và sum vầy bên các con, các cháu.
Mùa thu về, mưa gió não nề, bên mâm cơm giỗ ba, lòng tôi quặn thắt nhớ ba vô cùng.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thu-ve-nho-ba-111077.html