Thư viện Alexandria: Lưu giữ tinh hoa tri thức thời cổ đại

Thư viện Alexandria nổi tiếng tại Ai Cập đã phát triển thịnh vượng trong sáu thế kỷ, trở thành trung tâm văn hóa và tri thức thời cổ đại trước khi rơi vào cảnh hoang tàn.

Thư viện Alexandria tại Ai Cập – được xây dựng vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên – là một trong những nơi lưu giữ kho tàng kiến thức quan trọng nhất của thế giới cổ đại. Nơi đây từng chứa đựng khoảng nửa triệu cuốn sách làm bằng giấy cói, bao gồm các tác phẩm nổi tiếng của Plato, Aristotle, Homer, Herodotus và nhiều học giả khác.

Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ năm sau Công Nguyên, thư viện không còn tồn tại. Nhiều bộ sưu tập của nó bị đánh cắp, phá hủy hoặc rơi vào tình trạng hư hỏng nên không còn giữ được tầm ảnh hưởng như trước kia. Câu chuyện về sự ra đời và diệt vong của Thư viện Alexandria ẩn chứa nhiều điều bí ẩn và kịch tính, không thua kém gì các bộ phim bom tấn của Hollywood.

Trận hỏa hoạn đốt cháy Thư viện Alexandria. Ảnh: Alamy

Trận hỏa hoạn đốt cháy Thư viện Alexandria. Ảnh: Alamy

Nguồn gốc Thư viện Alexandria

Alexander Đại đế đã thành lập thành phố Alexandria (Ai Cập) ở phía Tây Bắc của đồng bằng sông Nile vào năm 331 trước Công nguyên. Khi Alexander Đại đế qua đời tám năm sau đó, đế quốc của ông bị chia nhỏ và nằm dưới quyền kiểm soát của các tướng lĩnh. Một trong số họ, Ptolemy I Soter, trở thành người cai trị Ai Cập và đặt thủ đô tại Alexandria.

Dưới triều đại của Ptolemy I Soter và các hậu duệ sau này, Alexandria từng bước phát triển thành một trong những thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất ở gần khu vực Địa Trung Hải trong thời kỳ Hy Lạp hóa (từ năm 323 TCN đến năm 30 TCN).

“Thư viện bắt đầu đi vào hoạt động không lâu sau khi thành phố Alexandria được thành lập vào năm 331 trước Công nguyên. Nhưng cho đến nay, chúng ta không biết rõ người đã xây dựng nó là Alexander, Ptolemy I hay Ptolemy II”, Joan Silsbee, nhà khảo cổ tại Đại học California, Los Angeles, cho biết.

Một truyền thuyết phổ biến kể lại rằng, nguồn gốc thư viện bắt nguồn từ việc Demetrius of Phalerum – một trong những thần dân của Ptolemy I sinh ra tại Athen – đề xuất với nhà vua xây dựng một tòa nhà để chứa tất cả các bản thảo được biết đến trên thế giới. Demetrius muốn tạo ra một nơi học tập có thể sánh ngang với Lyceum – một trường học và thư viện nổi tiếng của Aristotle gần Athens. Ptolemy I cuối cùng đã chấp thuận kế hoạch và cho xây một tòa nhà lớn trong khuôn viên của cung điện.

Kiến trúc và bộ sưu tập trong thư viện

Quy mô của Thư viện Alexandria ngày càng mở rộng khi những người cai trị thuộc triều đại Ptolemy nhận thấy những lợi ích của việc thúc đẩy một trung tâm học tập và văn hóa trong thành phố. Các khoản trợ cấp hào phóng của hoàng gia đã thúc đẩy thư viện ngày càng lớn mạnh, tạo ra một khu phức hợp các tòa nhà bao quanh thư viện.

Theo nhà sử học Diodorus Siculus, mặc dù các đặc điểm kiến trúc của thư viện vẫn là điều bí ẩn, nhưng ở thời đỉnh cao, thư viện bao gồm giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng họp, khu vườn, nhà ăn và thậm chí cả một sở thú. Nơi đây cũng có một trường y khoa, nơi các sinh viên đôi khi thực hành mổ xẻ xác người – một việc làm hiếm khi diễn ra ở châu Âu trước thời kỳ Phục Hưng vào thế kỷ 15.

“Ở thời kỳ đỉnh cao, thư viện lưu giữ khoảng nửa triệu tác phẩm viết riêng biệt. Chủ đề của những cuộn giấy cói này chứa đựng toàn bộ kiến thức về thế giới [phương Tây] cổ đại, từ các tác phẩm văn học, triết học, giải thích khoa học cho đến tôn giáo, thần thoại và y học”, Willeke Wendrich, giáo sư khảo cổ học tại Đại học California, Los Angeles, cho biết. Nổi bật trong số đó là tác phẩm của các triết gia Hy Lạp nổi tiếng thời cổ đại như Plato, Aristotle, Pythagoras; các nhà thơ và nhà soạn kịch (Aeschylus, Sophocles, Euripides, Sappho, Pindar, Hesiod), sách y học của Hippocrates; các nghiên cứu khoa học của Thales, Democritus và Anaximander…

Ngoài văn hóa Hy Lạp, các thủ thư của thư viện cũng thu thập những tác phẩm đến từ nhiều nền văn hóa khác, bao gồm Ai Cập cổ đại, Babylon, Ba Tư, Assyria và Ấn Độ. Ngoài ra, thư viện cũng là nơi lưu giữ các tài liệu liên quan đến Do Thái giáo, Hỏa giáo và Phật giáo.

Những người cai trị thuộc triều đại Ptolemy đã cử người đi khắp nơi để thu thập và ghi chép lại gần như tất cả các tài liệu trên thế giới. Họ sẽ mua bất kỳ bản thảo nào mà họ có thể tìm thấy, trong đó ưu tiên bản cũ nhất và nguyên bản nhất. Họ sẵn sàng trả một số tiền lớn cho những bản thảo chất lượng. Thậm chí trong triều đại của Ptolemy III Euergetes, tất cả các tàu thuyền ghé vào bến cảng của thành phố đều phải giao nộp bất kỳ tài liệu nào có trên tàu. Một nhóm người sẽ có nhiệm vụ sao chép lại, giữ bản gốc và gửi bản sao trở lại các con tàu.

Khi các cuộn sách giấy cói trở nên nhiều đến mức không thể chứa chúng trong một tòa nhà duy nhất, những người cai trị đã xây dựng thêm một thư viện thứ hai, gọi là Serapeum, vào giữa năm 246 – 222 TCN.

Thư viện Alexandria trở nên hoang tàn

Các sử gia như Plutarch và Seneca cáo buộc Julius Caesar – một chính khách và nhà lãnh đạo quân đội La Mã – đã khơi mào cho một trận hỏa hoạn ở thành phố Alexandria và thiêu rụi thư viện. Vụ hỏa hoạn xảy ra trong khoảng thời gian Caesar chiếm đóng thành phố vào năm 48 trước Công nguyên. Lúc đó, Caesar đang trải qua cuộc nội chiến chống lại các đối thủ chính trị của mình. Khi Caesar bị bao vây trên chiến trường, ông đã ra lệnh cho quân đội phóng hỏa vào các tàu của đối phương trong bến cảng. Nhà sử học Plutarch viết: “Caesar buộc phải đẩy lùi mối nguy hiểm bằng cách sử dụng lửa. Trận hỏa hoạn sau đó lan rộng từ các bến tàu và phá hủy Thư viện Alexandria”.

Tuy nhiên, hầu hết các học giả hiện nay đều thừa nhận câu chuyện trên có thể đã bị phóng đại. Thời gian Caesar chiếm đóng thành phố Alexandria thực sư đã xảy ra hỏa hoạn nhưng thư viện không bị ảnh hưởng. Các nhà sử học trích dẫn bằng chứng cho thấy thư viện vẫn còn tồn tại thông qua những tác phẩm của các học giả sau thời kỳ này – chẳng hạn như Strabo – người đề cập đến việc sử dụng tài liệu của Thư viện Alexandria trong nghiên cứu của họ.

Wendrich cho rằng, Thư viện Alexandria bị phá hủy thông qua một quá trình chậm, diễn ra trong nhiều thế kỷ. Khi sức ảnh hưởng của thư viện suy yếu dần theo thời gian, người ta đã bán hoặc phá hủy nhiều bộ sưu tập bên trong thư viện, và các tòa nhà của nó cuối cùng bị san bằng hoặc chuyển đổi thành các cơ sở khác, chẳng hạn như nhà thờ. Trong khi đó, Rome và Athens dần trở thành các trung tâm tri thức và học thuật mới. Mỗi nơi đều có các thư viện nổi tiếng của riêng mình.

Theo Quốc Hùng/Khoa học & Phát triển

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/thu-vien-alexandria-luu-giu-tinh-hoa-tri-thuc-thoi-co-dai/20220227010526548