Thư viện cộng đồng miễn phí cho người dân N'Thôl Hạ
Một không gian đọc miễn phí vừa đi vào hoạt trên địa bàn xã N'Thôl Hạ (huyện Đức Trọng) đang trở thành điểm hẹn cho những người yêu sách.
Mỗi sáng cuối tuần, cậu bé Lềm Văn Tiến Đạt (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học N’Thôl Hạ) lại cùng 2 người em của mình đến thư viện cộng đồng Ngọc An để tìm đọc các loại truyện tranh. Dù chưa thực sự hiểu được ý nghĩa của từng cuốn sách nhưng những trang truyện đủ sắc màu cũng không trở nên hấp dẫn, thu hút các em. “Ở đây có rất nhiều truyện mới mà em chưa đọc. Mỗi tuần đến lại được các cô tặng quà như bút chì, màu vẽ nên em rất thích”, Tiến Đạt chia sẻ niềm vui.
Cũng như Đạt, mỗi tuần, thư viện cộng đồng Ngọc An đón hàng trăm lượt khách ở các độ tuổi khác nhau, trong đó chủ yếu là các em học sinh đến đọc và đăng ký thành viên để mượn sách mang về. Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng nhờ việc giới thiệu đến các trường học trên địa bàn mà phụ huynh và học sinh lần lượt tìm đến thư viện sau giờ học trên lớp hay những ngày cuối tuần.
Chị Nguyễn Thị Hương Thanh, người thành lập thư viện cộng đồng Ngọc An cho biết, thư viện được thành lập từ việc trích một phần lợi nhuận của doanh nghiệp mình đang kinh doanh cho các chương trình từ thiện xã hội. Chính vì thế, thư viện sẽ mở cửa đón tiếp tất cả những ai có nhu cầu tìm đến với văn hóa đọc. Đây cũng chính là không gian để kết nối mọi người, là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người có chung niềm yêu thích với sách.
Thư viện được xây dựng với thiết kế 2 tầng, diện tích 150 m2, cơ sở vật chất hiện đại Từ sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, thư viện hiện có hơn 2.000 đầu sách với nội dung đa dạng như: giáo dục pháp luật, sách kỹ năng sống; tâm lý, giáo dục, sách truyện thiếu nhi... Theo ghi chép, mỗi ngày thư viện đón khoảng 20 lượt người đến đọc. Số lượng này thường tăng lên vào các ngày nghỉ và cuối tuần. Mỗi bạn đọc mới đến đều được ghi lại thông tin cẩn thận.
“Vì là địa điểm khá mới nên hiện thư viện đón số lượng bạn đọc còn hạn chế. Nhưng chúng tôi không quan trọng ít hay nhiều, chỉ cần còn người đọc thì thư viện còn hoạt động. Thấy hầu hết mọi người tìm đến đây với một cảm giác thoải mái, cởi mở là chúng tôi cảm thấy vui rồi”, chị Hương Thanh chia sẻ.
Bà Vi Bích Thủy Châu - Phó giám đốc Thư viện tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là một trong số rất ít các thư viện cộng đồng hiện có trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình cấp phép hoạt động thư viện, Thư viện tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều hỗ trợ về các thủ tục, giấy tờ. Bên cạnh đó, vào ngày khai trương, thư viện tỉnh cũng đã tặng 1.000 đầu sách các loại có chất lượng, nội dung phù hợp với học sinh và người dân xã N’Thôl Hạ, một địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao.
Thư viện cộng đồng được xây dựng tại khu vực đông dân cư, gần các cơ quan, trường học trên địa bàn xã. Chính vì thế, trong ngày khai trương, đơn vị cũng đã thông tin rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị để các em học sinh cũng như người dân biết về cách thức tổ chức, hoạt động của thư viện.
“Chúng tôi hi vọng thư viện sẽ hoạt động hiệu quả, tạo không gian học tập, mở ra cơ hội cho người dân và học sinh tiếp cận thông tin, rèn luyện thói quen và hưởng ứng phong trào văn hóa đọc”, ông Lê Bá Dương – Phó Chủ tịch UBND xã N’Thôl Hạ cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ, những năm qua, chính quyền địa phương cũng có nhiều hoạt động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về đẩy mạnh khả năng tiếp cận thông tin, tri thức cho nhân dân. Trên địa bàn có 2 tủ sách pháp luật nhưng đa phần các đầu sách, tài liệu tham khảo mang tính quy phạm pháp luật nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. Chính vì thế, việc có một thư viện cộng đồng hoạt động tại địa phương sẽ có giá trị rất lớn, giúp các tầng lớp Nhân dân dần thay đổi và hình thành thói quen đọc.
Với nguồn tài liệu phong phú, người dân và các em học sinh có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao dân trí. Từ đó, góp phần tích cực phát triển văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn.