Thư viện của cộng đồng

Ðó là một gian phòng nhỏ nhưng ấm cúng với gần 2.000 đầu sách, tạp chí các loại được xây dựng từ sự đóng góp của cộng đồng.

Cô Nguyễn Thị Đào muốn xây dựng không gian văn hóa đọc cho tất cả mọi người. Ảnh: H.Thắm

Thư viện Đa Thiện (Tổ dân phố Đa Thiện 1, 2, 3, 4, Phường 8, TP Đà Lạt) ra đời bởi một triết lý rất đơn giản: Nếu làm từ thiện bằng tiền thì chẳng biết bao nhiêu mới đủ bởi tiền tiêu thì sẽ hết. Còn riêng với sách, đó là tri thức, hành trang mà mỗi con người cần có trong suốt cuộc đời, và nó là tài sản có thể gìn giữ, để lại cho nhiều thế hệ mai sau.

Những người quản lý Thư viện Đa Thiện hay nói vui với nhau, tuy chỉ là thư viện “làng” nhưng nó đã thực sự là điểm sinh hoạt, gặp gỡ quen thuộc của những người có sở thích đọc sách ở mọi lứa tuổi. Thư viện đều đặn mở cửa vào mỗi cuối tuần.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay thư viện có gần 2.000 đầu sách và các loại tạp chí. Đây là không gian đọc đầu tiên được xây dựng từ 100% kinh phí xã hội hóa, phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Người có ý tưởng thành lập thư viện này là cô Nguyễn Thị Đào - một nhà giáo về hưu. “Thư viện tỉnh cho mượn 400 đầu sách, vợ chồng tôi cùng các con lấy tiền đi mua sách cũ, mượn một gian phòng của Hội trường tổ dân phố để sửa sang, bố trí bàn ghế và trưng bày sách sao cho đảm bảo điều kiện hoạt động của một thư viện. Ngay trong ngày khai trương cũng nhận được ủng hộ rất nhiều từ các mạnh thường quân. Người thì tặng thêm kinh phí hoạt động, người khác lại mang những tập sách, thơ của nhà đến tặng… Cứ như thế, mỗi người đóng góp một chút mới có thể có được thư viện như ngày hôm nay”, cô Đào chia sẻ.

Thành lập thư viện đã không phải là điều dễ dàng, thế nhưng trăn trở lớn hơn của những người quản lý Thư viện Đa Thiện là làm thế nào để có thể lôi kéo bạn đọc đến đây? Liệu rằng sách có còn đủ sức cạnh tranh với các loại phương tiện điện tử hiện đại, có lôi kéo trẻ em khỏi sức hấp dẫn của ti vi, điện thoại hay không? Những câu hỏi đó đã được thời gian trả lời, và nó, đến thời điểm hiện tại, đang làm hài lòng những người đặt tâm huyết với thư viện này.

Nhiều người ban đầu chỉ là bạn đọc tìm đến với sách, sau này đã trở thành người cùng tham gia quản lý, hỗ trợ thư viện tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề. Những cái tên như bà Đào, bà Mai, bà Đại… dần trở thành tiếng gọi thân thương của các em nhỏ mỗi lần lui tới thư viện.

“Với những người thuộc độ tuổi hưu trí như chúng tôi cũng rất cần một không gian thư giãn và nuôi dưỡng tâm hồn của mình. Đồng thời cũng là nơi giao lưu, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống. Và đây cũng là cách chúng tôi đang làm những công việc mang tính thiện nguyện, có ích cho đời. Mình không trực tiếp giúp đỡ về tiền bạc thì mình cho đi tri thức, tạo ra một nơi lưu giữ văn hóa đọc cho cộng đồng dân cư”, cô Lê Thị Mai chia sẻ

Tuy chỉ là thư viện cơ sở, nhưng ở đây được trang bị các thiết bị hiện đại, để cài đặt phần mềm quản lý gắn với hệ thống quét mã vạch, cổng điện tử quản lý sách, cấp thẻ mượn sách về nhà… để dễ dàng quản lý. Nhưng những người quản lý thư viện cũng không quên ghi chép cẩn thận vào trong những cuốn sổ tay số lượng bạn đọc mới, thẻ mới, lượt sách mượn và cập nhật thường xuyên hình ảnh trên trang facebook, giới thiệu các đầu sách mới mà thư viện nhận được.

Đến nay, Thư viện Đa Thiện không chỉ gói gọn trong phạm vi Phường 8, nhiều bạn đọc là học sinh ở các phường khác cũng thường xuyên lui tới đọc và mượn sách. Như trường hợp bé Gia Hân (10 tuổi) hiện đang sống ở TP Hồ Chí Minh, về nghỉ hè với ông bà ngoại tuần nào cũng đến đọc các loại sách, truyện tranh mà mình yêu thích. Với không gian thoải mái, Gia Hân có thể ngồi trên sàn nhà hay nằm trên ghế, đọc xong mới chịu đi về. Và mùa hè này, em đã có thêm nhiều người bạn mới để kể cho nhau nghe về những câu chuyện thú vị ở lứa tuổi học trò.

“Chúng tôi luôn khuyến khích cha mẹ đưa trẻ đến đây bởi đây sẽ là cách giáo dục kỹ năng tự học, kỹ năng đọc sách cho các em. Mình cho đi tri thức, mình ươm mầm cho những mầm xanh tương lai, chuẩn bị cho các em những hành trang kiến thức vào đời”, cô Đào tâm sự.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Thư viện Đa Thiện còn kết hợp với các đoàn thể tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề. Thư viện cùng chi hội khuyến học tổ chức giao lưu kiến thức, giới thiệu sách hay cho học trò cũng như mời cựu du học sinh chia sẻ kiến thức về du học, làm thế nào để học tiếng Anh hiệu quả; kết hợp cùng với CLB Gia đình văn hóa với chuyên đề dinh dưỡng cho bữa ăn gia đình với các loại sách liên quan, có báo cáo viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ kinh nghiệm…

Thông qua đó, lượng bạn đọc biết đến thư viện cũng ngày một tăng lên. Thư viện cũng tổ chức các chương trình nấu các bữa ăn miễn phí cho một số đơn vị khó khăn, gửi tặng sách giáo khoa, sách chuyên đề cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201907/thu-vien-cua-cong-dong-2954229/