Thư viện hòa nhập thời 4.0

PTĐT - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và thư viện - thiết chế văn hóa quan trọng, được ví như 'biểu tượng của tri thức và học vấn' ...

Bên cạnh phương pháp đọc truyền thống, phòng truy cập Internet miễn phí tại Thư viện tỉnh giúp nâng cao khả năng sử dụng và truy nhập Internet.

Bên cạnh phương pháp đọc truyền thống, phòng truy cập Internet miễn phí tại Thư viện tỉnh giúp nâng cao khả năng sử dụng và truy nhập Internet.

PTĐT - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và thư viện - thiết chế văn hóa quan trọng, được ví như “biểu tượng của tri thức và học vấn” cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Để tiếp tục giữ được vị thế là “kho tri thức” trong đời sống xã hội, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kiến thức, thông tin của độc giả, thư viện đã và đang có những bước đổi mới, hòa nhập, phát triển.

Sách “đi tìm” người
Cùng với sự xuất hiện phong phú, đa dạng các loại hình giải trí, học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, con số chỉ sự phát triển nhanh chóng của Internet không dây cùng các thiết bị di động cầm tay đang tỷ lệ nghịch với văn hóa đọc truyền thống. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: “Khoảng 8- 10 năm qua là thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin, giải trí của truyền hình số, mạng Internet… khiến lượng độc giả đến với thư viện ngày càng giảm, trung bình mỗi năm chỉ khoảng 2.500 - 3.000 lượt bạn đọc, điều này khiến những người làm việc trong ngành không khỏi trăn trở. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở gần như rơi vào tình trạng khủng hoảng bởi hoạt động rất khó khăn, cơ sở vật chất ít được đầu tư thỏa đáng, cán bộ làm công tác thư viện ở các huyện thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong quản lý nghiệp vụ, nguồn kinh phí để bổ sung sách báo hạn chế, chủ yếu duy trì một vài đầu báo, tạp chí khoa học, đời sống”. Hiện nay, tổng số sách của toàn hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh khoảng trên 300.000 bản cùng 300 loại báo, tạp chí và nhiều tranh, ảnh, thiết bị nghe, nhìn khác, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của độc giả.Trên địa bàn huyện Phù Ninh, thư viện huyện trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin, trụ sở hoạt động chung với Trung tâm văn hóa và Đài truyền thanh huyện nên diện tích khá “khiêm tốn”. Anh Trần Huy Khoa - Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phù Ninh cho biết: Thư viện huyện và hệ thống thư viện tại 17 xã, thị trấn chưa có trụ sở riêng biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, phòng đọc xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, gây khó khăn trong công tác quản lý, hoạt động. Cùng với đó, 100% cán bộ thư viện cấp xã là cán bộ văn hóa kiêm nhiệm, kinh phí bổ sung sách, báo, tạp chí, đảm bảo cho hoạt động hàng năm dù được quan tâm nhưng còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phục vụ bạn đọc tại chỗ và độc giả mượn sách”. Năm 2019, Thư viện huyện Phù Ninh chỉ cấp được 136 thẻ và phục vụ trên 5.300 lượt bạn đọc. Thời gian qua, do trụ sở đang sửa chữa nên toàn bộ thư viện phải ngừng hoạt động tương đối dài, gây ảnh hưởng đến công tác phục vụ bạn đọc. Tại huyện Tân Sơn, trong năm 2019, số lượng bạn đọc đạt 7.150 lượt (đạt 65% kế hoạch cả năm), thư viện huyện chỉ cấp được 85 thẻ phục vụ độc giả, (đạt 42,5% kế hoạch) và phục vụ 5 ngày/tuần…Để sách - nguồn tri thức của xã hội thoát khỏi tình trạng “nằm im trong kho”, hệ thống thư viện đã áp dụng nhiều biện pháp theo quan điểm “sách đi tìm người” để định hướng văn hóa đọc, đối tượng đọc. Theo đó, thực hiện Kế hoạch liên tịch “Phối hợp công tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Thông tin - Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách báo tại điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 - 2020”, thư viện đã phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức luân chuyển sách báo đến 241 điểm bưu điện văn hóa xã, các khu dân cư, trường học, cơ quan, xí nghiệp, Trại giam Tân Lập... nhằm nâng cao dân trí cho người dân các địa phương, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh. Tại thư viện tỉnh, bên cạnh việc trang bị các điều kiện như sàn gỗ, hệ thống ánh sáng, quạt mát, điều hòa, khu vực đọc, bàn đọc thân thiện… đội ngũ cán bộ thư viện, thủ thư nhiệt tình, giới thiệu các loại sách phù hợp với đối tượng độc giả, thư viện cũng mở cửa phục vụ cả các ngày nghỉ cuối tuần, cấp thẻ miễn phí cho người cao tuổi, người khuyết tật, các em thiếu nhi và các đối tượng theo Luật Thư viện, từ đó, số lượng bạn đọc tăng lên khoảng trên 6.000 lượt/năm. Thường xuyên đưa hai con đến Thư viện tỉnh vào dịp cuối tuần, anh Lê Hùng Nam (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến thư viện để các cháu tránh lạm dụng ti vi, máy vi tính… tuy nhiên, sau mỗi buổi đọc, tôi thường “kiểm tra” bằng cách nghe con kể lại đã đọc được gì và nhận thấy các cháu rất thích thú với môi trường này. Cùng với sự nhiệt tình giới thiệu, định hướng của các thủ thư, tôi thấy rất yên tâm khi “gửi” các cháu ở thư viện vào những ngày nghỉ”.

Không gian đọc hấp dẫn, phù hợp với thiếu nhi tạo thói quen tốt cho các em và sự yên tâm cho phụ huynh.

Không gian đọc hấp dẫn, phù hợp với thiếu nhi tạo thói quen tốt cho các em và sự yên tâm cho phụ huynh.

Hai phương án - một mục tiêu

Tủ sách tại khu dân cư số 7, xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì vẫn được duy trì đều đặn các loại báo, tạp chí, thơ... chủ yếu phục vụ nhu cầu tinh thần cho những độc giả lớn tuổi. Ông Lê Văn Thư, sinh năm 1945, là hội viên người cao tuổi, phụ trách phong trào văn hóa, thể thao của người cao tuổi trong khu dân cư số 7 cho biết: “Đa số độc giả của tủ sách là người lớn tuổi, cán bộ hưu trí hoặc nông dân, do đó, nhu cầu đọc không quá cao. Theo thói quen, khi có các chương trình họp khu, hội nghị hay sự kiện được tổ chức tại nhà văn hóa khu thì đông đảo nhân dân sẽ đến sớm hơn để đọc sách báo”. Ở một phương thức tiếp cận khác, chị Lê Hằng Nga là sinh viên năm thứ 4 của một trường đại học chia sẻ: “Hiện nay hầu hết học sinh, sinh viên đều sử dụng máy tính, điện thoại thông minh có kết nối Internet, do đó tôi rất muốn thư viện sớm đưa vào hoạt động theo phương thức online, để chúng tôi có thể truy cập, tìm hiểu thông tin ở mọi lúc, mọi nơi mà không cần trực tiếp có mặt tại thư viện”. Có thể thấy, hệ thống thư viện dù ở phương thức truyền thống hay hiện đại đều được xác định là thành tố tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, từ đó có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa dân tộc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới, hình thành ý thức tôn trọng pháp luật… đồng thời tăng cường khả năng tiếp nhận, ứng dụng tri thức thông qua sách báo vào phục vụ học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí.
Được biết, từ những năm 2005, Thư viện tỉnh đã tiến hành chuyển đổi cơ sở dữ liệu, xây dựng mạng LAN và triển khai hồi cố dữ liệu cũ, cập nhật dữ liệu mới, biên soạn nhiều sản phẩm thông tin. Năm 2014, Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” gồm Thư viện tỉnh; 12 thư viện huyện, thị; 15 thư viện xã, 45 điểm bưu điện văn hóa xã được tiếp nhận và triển khai dự án với 460 máy tính có kết nối mạng, 73 máy in và các thiết bị ngoại vi khác, nhờ đó, đã thu hút thêm số lượng lớn bạn đọc đến với thư viện. Năm 2015, Thư viện tỉnh xây dựng Website thuvienphutho.gov.vn, đến thời điểm này lượt truy cập trang web đạt trên 85.000 lượt, đáp ứng tối đa nhu cầu tra tìm thông tin và truy cập mạng Internet miễn phí, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên.
Những lợi thế, tiện ích mà thời đại công nghệ thông tin đang mở ra cơ hội cho ngành thư viện đồng thời cũng là thách thức khi thói quen tiếp cận, sử dụng thông tin của độc giả thay đổi. Do đó, việc đầu tư các phòng đọc tiêu chuẩn, đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc; tăng tần suất luân chuyển sách về cơ sở, đưa văn hóa đọc về với vùng sâu vùng xa, tập trung xây dựng, phát triển vốn tài liệu, nguồn tài nguyên số để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, theo kịp xu hướng thời đại là giải pháp then chốt cho sự phát triển của hệ thống thư viện. Qua đó góp phần định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực của địa phương.

Lê Hoàng - Mai Hoa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202012/thu-vien-hoa-nhap-thoi-40-174349