'Thư viện sinh thái' ở miền Tây
Đã 10 năm rồi chúng tôi mới có dịp trở lại Trà Sư, khi được biết nơi đây được lấy làm bối cảnh trong phim 'Đất rừng phương Nam'.
Đường dẫn vào khu Trà Sư được bao quanh bởi các con kênh, khách phải qua chiếc cầu gỗ cổ kính như bước vào thế giới truyện cổ tích.
Vào những ngày cuối năm, thời tiết thật đẹp, các dòng sông no đầy phù sa, đường vào khu rừng tràm với những cây tràm đứng ngay hàng thẳng lối, xanh thẳm vun vút tạo nên một bức tranh đặc sắc.
Rừng tràm Trà Sư thuộc ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách trung tâm thành phố Châu Đốc 30km; cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 10km. Rừng tràm Trà Sư nằm trong tuyến du lịch liên hoàn: Núi Sam, núi Cấm, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên. Nơi đây có diện tích lên tới 850ha, là mô hình hệ sinh thái điển hình của vùng Tây sông Hậu.
Những năm gần đây, ngành du lịch An Giang đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, giới thiệu về du lịch rừng tràm. Đặc biệt, sau khi nơi đây được chọn làm bối cảnh phục dựng khu chợ nổi miền Tây trong phim “Đất rừng phương Nam”, rừng tràm Trà Sư thu hút nhiều du khách đến.
Đây là địa điểm không chỉ được chọn để du lịch, mà còn là nơi sáng tác của nhiều đoàn văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, đặc biệt là các bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm, check in “sống ảo”.
Dưới rừng Trà Sư không chỉ có muôn thú, những rừng cây hoang sơ, mà du khách cảm nhận cả quần thể sen đủ sắc màu.
Một góc hoang sơ nguyên thủy của Trà Sư, thuyền sẽ đưa du khách len lỏi vào trong nếu có nhu cầu.
Một không gian tĩnh lặng để du khách ngồi trên thuyền có thể ghi dấu những khoảnh khắc của các loài chim.
Một không gian tĩnh lặng để du khách ngồi trên thuyền có thể ghi dấu những khoảnh khắc của các loài chim.
Từ trên cầu nhìn xuống một góc rừng Trà Sư. Đây cũng là bối cảnh “trên bến dưới thuyền” trong bộ phim “Đất rừng phương Nam”.
Từ trên cao của lầu Vọng cảnh…
Ngoài sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ vốn có, rừng tràm Trà Sư còn là nơi cất giữ những giá trị tinh hoa đặc trưng rừng ngập nước của người miền Tây Nam bộ. Có thể nói Trà Sư như là một “thư viện sinh thái” khổng lồ, duy nhất của đất rừng phương Nam từ những thập niên đầu của thế kỷ 19 cho đến ngày nay.
Do cộng hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà không nơi nào thay thế được, nên Trà Sư được chọn làm đại cảnh đắt giá cho bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”.
Đến đây, cảm nhận đầu tiên là du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, không chỉ bị thu hút bởi không gian xanh với rừng tràm rợp bóng, mà còn được tiếp xúc gần với hàng loạt loài chim, hay động vật hoang dã quý hiếm.
Đây là nơi được phát triển để trở thành khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng Tây Nam bộ. Người dân địa phương sẽ dùng thuyền để đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu. Nếu thích, du khách có thể yêu cầu người lái thuyền dừng lại để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng và ghi dấu những khoảnh khắc của thiên nhiên.
Mùa nước nổi từ tháng 9-11 hàng năm, được coi là thời điểm đẹp nhất để trải nghiệm vẻ đẹp rừng tràm. Nước đổ về khiến rừng cây xanh tốt, kết hợp cùng những lớp bèo phủ xanh mặt nước, tạo nên khung cảnh đẹp. Mùa nước nổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài cá tôm và là điểm đến hấp dẫn cho nhiều loài chim.
Ngay từ lối vào, cách một con kênh Trà Sư, du khách có thể nhìn thấy những ngôi nhà của chim bồ câu. Nơi đây có khoảng 400 con được nuôi thả trong rừng nên được gọi là “Thành phố bồ câu”. Khung cảnh sân chim khá lãng mạn, du khách có thể chụp ảnh check in, chụp ảnh cưới, cho chim ăn và nhiều hoạt động khác.
Nếu muốn quan sát bao quát hơn về rừng tràm, du khách nên ghé lầu vọng cảnh và sử dụng kính viễn vọng. Với tầm nhìn 25km, du khách có thể ngắm toàn bộ rừng tràm, những chú chim đang bay lượn, hay làm tổ trên các tán cây. Từ đây, cũng có thể nhìn được ngôi làng của người Khmer sinh sống cách đó vài cây số.
Hãy dành một ngày ở rừng tràm Trà Sư để tận hưởng hết các không gian trong rừng, ăn bữa trưa với các món đặc sản miền Tây.
MAI PHƯƠNG
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thu-vien-sinh-thai-o-mien-tay-post111388.html