'Thư viện trên đá' mang văn hóa đọc tới học sinh miền núi
Nằm trong chuỗi chương trình thiện nguyện 'Cùng mang sách về miền núi, hải đảo', mùa đầu tiên chủ đề 'Thư viện trên đá' sẽ đến với trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) vào ngày 29/5 tới.
“Thư viện trên đá” sẽ đến với trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)
Hưởng ứng Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận tri thức, xây dựng thói quen đọc sách cho các em học sinh vùng cao, Đoàn thanh niên cơ sở Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo điện tử Tổ Quốc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chương trình tình nguyện "Cùng mang sách về miền núi, hải đảo" mùa đầu tiên với chủ đề "Thư viện trên đá" vào ngày 29/5/2023 tới đây.
Trong mùa đầu tiên này, Đoàn sẽ xây dựng phòng đọc sách tặng trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Phòng đọc sẽ được trao tặng 500 đầu sách bao gồm sách tham khảo, sách kỹ năng, sách tiếng Anh, truyện lịch sử, truyện tranh, truyện cổ tích, thơ…
Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đã nhận được hàng ngàn đầu sách, dụng cụ học tập…, cùng sự hỗ trợ tài chính của nhiều cá nhân, tập thể.
Ngoài ra, Đoàn sẽ tặng 5 suất học bổng cho các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, cùng 500 suất quà bao gồm sữa và bánh kẹo sẽ được trao tại buổi giao lưu, gặp gỡ với các em học sinh tại trường. Cũng trong dịp này, Đoàn sẽ tổ chức chiếu phim cho các em học sinh. Được biết, đây là một bộ phim thiếu nhi Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Giang Nam, đại diện Ban tổ chức: "Cùng mang sách về miền núi, hải đảo" mùa đầu tiên "Thư viện trên đá" cũng chính là món quà tinh thần quý giá mà Đoàn mang đến cho các em học sinh trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn trong dịp Tết thiếu nhi 1/6. Dự kiến chương trình sẽ được tổ chức thường niên nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Cải thiện môi trường đọc cho người dân
"Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" hướng tới mục tiêu chung là: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bấn phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tê - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Định hướng của Đề án đến năm 2030 là: Người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử).