Thư viện Ước mơ: Kiến tạo một thế hệ sáng tạo

Thư viện Ước mơ - một chương trình nghệ thuật sáng tạo giúp thiếu nhi tiếp cận với nguồn tri thức và gieo mầm ước mơ trở thành những công dân toàn cầu. Thư viện Ước mơ đã qua 10 năm phát triển với 290 thư viện ở 38 tỉnh thành.

Thư viện Ước mơ (Library of Dreams - sau đây gọi tắt là Thư viện) do bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á và nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng - Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Cười, sáng lập. Đây là một thư viện nghệ thuật nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Việt Nam.

Đầu tư vào đổi mới sáng tạo từ mầm non

Năm 2014, khởi điểm đầu tiên là thư viện trong khuôn viên Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Đà Lạt. Dự án ra đời với sứ mệnh là xây dựng 1.000 Thư viện, cả thư viện sách in lẫn thư viện số và 1 triệu trẻ em Việt Nam được tiếp cận sách cũng như hoạt động nghệ thuật, sáng tạo.

Đến nay, sau 10 năm hoạt động đã có 290 Thư viện đi vào hoạt động, đã có mặt ở 38 tỉnh - thành, như Tây Ninh, Bình Phước, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Nai, Cần giờ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái… Số học sinh được tiếp cận với sách và hoạt động nghệ thuật ước tính lên đến hơn 46 ngàn.

Thư viện Ước mơ tại tỉnh Bến Tre (2020)

Thư viện Ước mơ tại tỉnh Bến Tre (2020)

Nói về ý tưởng hình thành Thư viện, bà Nguyễn Phi Vân cho biết: “Trong chuyến đi làm việc tại Phần Lan, tôi có đặt câu hỏi với ngài thị trưởng Helsinki, tại sao Phần Lan luôn là nước Top các quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới? Ông ấy trả lời: Cách đây 30 năm, chúng tôi đã đầu tư vào giáo dục đổi mới sáng tạo cho các trẻ em từ lớp mầm non”. Một câu nói rất đơn giản nhưng đó là cả một tầm nhìn xa để xây dựng được một quốc gia sáng tạo. Từ đây, tôi nhận thấy Việt Nam còn thiếu sự chuẩn bị cho những thế hệ sáng tạo tiếp nối. Cách tốt nhất mình có thể làm là gieo mầm, giữ cho các em có được trí tưởng tượng phong phú để sau này các em sẽ trở thành những thế hệ kế thừa xây dựng quốc gia qua lăng kính sáng tạo của chính mình”.

“Không gì tốt hơn thư viện”

Theo bà Vân, để nuôi dưỡng những hạt giống sáng tạo trong các em, môi trường không gì tốt hơn là thư viện. Năm 2017, dự án bắt đầu hành trình vận hành chuyên nghiệp từ việc thành lập một ban quản trị là những doanh nhân chủ các doanh nghiệp những người sẵn lòng với tinh thần “Pay it forward” đền đáp và tiếp nối.

“Linh hồn của Thư viện Ước mơ là giúp các em phát huy được tư duy sáng tạo. Đây cũng là lý do vì sao Thư viện phải có thư viện số và thư viện sáng tạo, vì mục tiêu cuối cùng là một thế hệ sáng tạo chứ không chỉ dừng lại ở chuyện phát huy văn hóa đọc” - bà Vân nói.

Từ trước đến nay, dù các thầy cô rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc nhưng không đủ kinh phí triển khai. Sau khi được Thư viện Ước mơ hỗ trợ, thư viện nhà trường đã có rất nhiều sách, đủ thể loại. Các em học sinh rất thích đến Thư viện vì có nhiều sách mới để đọc và được bố trí đẹp mắt, khoa học.

Ông Trần Phú Ninh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, huyện Phú Ninh, Quảng Nam

Cụ thể, Thư viện liên kết với phòng giáo dục ở địa phương và cơ quan này sẽ đề nghị những trường mong muốn được hỗ trợ. Chính quá trình khảo sát chặt chẽ, tiêu chí chọn địa điểm tài trợ rõ ràng, nhà trường phải có phòng trống để đảm bảo đủ không gian cho các em đọc sách và trải nghiệm. Đội ngũ Thư viện sẽ hỗ trợ nhà trường vận hành Thư viện trong 5 năm, và cứ sau 6 tháng sẽ cập nhật sách mới.

“Đội ngũ tình nguyện viên sẽ thường xuyên gọi điện thăm hỏi, thậm chí đến tận nơi để xem Thư viện hoạt động ra sao. Nếu thư viện không mở cửa, khi đến kiểm tra, chúng tôi có thể lấy lại sách và tài trợ cho trường khác” - bà Vân cho biết.

Thư viện Ước mơ mang đến cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa một không gian đọc thoải mái và đầy màu sắc với vị trí thuận lợi, thoải mái. Sách tại thư viện được chọn lọc bởi một ban chuyên môn, ưu tiên những quyển khơi gợi óc sáng tạo, cập nhật xu hướng học tập, công nghệ mới… Mỗi thư viện có từ 1.000 - 1.500 đầu sách khác nhau.

Dự án Thư viện ước mơ tại tỉnh Tây Ninh (2020)

Dự án Thư viện ước mơ tại tỉnh Tây Ninh (2020)

“Đôi khi các em vào đó, nằm bò ở đó chưa hẳn đã là đọc sách, nên tôi gọi không gian đó là xứ sở thần tiên để bảo về ước mơ của các em” - bà Vân chia sẻ.

Theo đó, mỗi trường học cam kết sẽ có tiết đọc sách bắt buộc, cô giáo cùng học trò đọc sách. Và sau đó, các thầy cô là người phát động những chương trình thi đua chia sẻ cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách, cảm nhận về những cuốn sách mới…

Điều làm cho Thư viện trở nên khác biệt đó là chi phí vận hành gần như bằng không. “Các bạn trong ban điều hành và các bạn tham gia đều đóng góp cả tiền bạc lẫn thời gian để vận hành Thư viện. Và các nhà tài trợ rất quý điểm này của Thư viện, 100% tiền của nhà tài trợ được dùng xây dựng thư viện và sách cho các em” - bà Vân nói thêm.

Năm 2025, được xem là bước tiếp theo của Thư viện hướng tới phát triển bền vững tạo hiệu ứng tác động lớn. Sau khi xây dựng 50 Thư viện, bắt đầu khởi động thư viện số ứng dụng công nghệ để cung cấp sách điện tử, tài liệu học tập trực tuyến cho các em.

Ngô Quỳnh Trang

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thu-vien-uoc-mo-kien-tao-mot-the-he-sang-tao-315758.html