Thư viện và vấn đề bản quyền
Thực tế cho thấy, câu chuyện bản quyền trong thời đại số, không chỉ ở lĩnh vực thư viện, luôn luôn là thách thức với các đơn vị quản lý trong việc thích nghi và ứng phó.
Những năm qua, các thư viện đều có những nỗ lực nhất định trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tự số hóa, xây dựng và hình thành các bộ sưu tập số. Đơn cử như Thư viện Quốc gia Việt Nam với hơn 180 nghìn sách, số báo được số hóa tương đương 10 triệu trang tài nguyên số: Luận án tiến sĩ, sách, báo, tạp chí Đông Dương, sách Hán Nôm...
Hay Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM tự số hóa 5.812 tài liệu, số hóa sách dự án giai đoạn 2019-2022: 11018 sách, 71.801 số báo; Thư viện TP Cần Thơ (tự số hóa 8.066 tài nguyên), Thư viện Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) số hóa 8.699 tài nguyên;…
Một số thư viện lớn đã xây dựng được bộ tiêu chí để bảo đảm quyền tác giả tiêu biểu như: Các tài liệu đã hết thời gian bảo hộ (tài liệu được xuất bản từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) tài liệu đã hư hỏng và có nguy cơ mất đi vĩnh viễn, không thể phục vụ bản giấy (Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM) và các tài liệu này đều được cân nhắc để áp dụng hình thức phục vụ phù hợp bảo đảm Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy vậy hiện nay vẫn còn nhiều thư viện chưa xây dựng chính sách đánh giá bản quyền vào quy trình lựa chọn tài liệu trước khi số hóa, điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý và phục vụ sau này. Theo báo cáo của các thư viện, trong quá trình thực thi pháp luật về quyền tác giả trong hoạt động thư viện đang manh nha một số hành vi vi phạm bản quyền như sao chép, tạo lập để phát triển tài nguyên thông tin trái quy định của pháp luật… Hành vi sử dụng tài liệu mà không có sự cho phép của người sở hữu tác phẩm, điều này có thể xảy ra nếu thư viện số sử dụng tài liệu mà không xin phép hoặc không có giấy phép sử dụng từ người sở hữu bản quyền; sử dụng tài liệu sai mục đích; không tôn trọng quyền tác giả.
Bên cạnh đó, một số hệ thống thư viện có thiết bị sao chép nhưng chưa kèm theo thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả.
Thực tế hoạt động thư viện thời gian qua chưa có hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả bị xử lý. Một phần do các thư viện nhận thức được trách nhiệm phải tuân thủ điều luật liên quan tới quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ, phần do người làm công tác thư viện phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý các hành vi vi phạm... Thế nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin, câu chuyện vi phạm bản quyền trong lĩnh vực thư viện đang là một thách thức không nhỏ, nếu không nói là có nguy cơ “vỡ trận” khi thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga, thư viện số là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số với yếu tố cốt lõi là nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Các thư viện nhất thiết phải xây dựng được nguồn lực thông tin phong phú, đặc biệt là xây dựng các bộ sưu tập số với một hệ thống cơ sở dữ liệu có khả năng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, theo bà Nga, tính tới thời điểm hiện tại, số lượng tài nguyên thông tin điện tử/số trong thư viện ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, vẫn còn nhiều thư viện chưa thể thực hiện được hoặc chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Có rất nhiều thách thức đặt ra trong quá trình này như thiếu ngân sách, thiếu nền tảng nhân lực cần thiết hay giải pháp công nghệ phù hợp, trong đó bao gồm cả thách thức từ việc thực thi bản quyền một cách đúng đắn, phù hợp trong hoạt động thư viện.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng vấn đề bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện cũng đang có nhiều thách thức, tuy nhiên chúng ta cần biết vận dụng linh hoạt những quy định về bản quyền. Ví dụ, tranh thủ khai thác, số hóa những xuất bản phẩm đã ra đời trên 50 năm hay những tài liệu được truy cập mở trên thế giới. Ông Giới cũng cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho các thư viện trong cả nước để làm sao khi tiến hành thực thi bản quyền thì lưu ý những vấn đề mới, cập nhật.
Thực tế cho thấy, câu chuyện bản quyền trong thời đại số, không chỉ ở lĩnh vực thư viện luôn luôn là thách thức với các đơn vị quản lý trong việc thích nghi và ứng phó. Bởi với điều kiện phát triển kinh tế và ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa cao như hiện nay, việc vừa đảm bảo việc tuân thủ các điều ước quốc tế để hòa nhập thế giới vừa mở rộng nguồn thông tin tiếp cận cho người dân để nâng cao tri thức của người dân là một khoảng cách tương đối lớn. Bản thân việc xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề bản quyền trong hoạt động thư viện nói chung cũng như chuyển đổi số thư viện nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền trong quá trình chuyển đổi số thư viện cũng còn rất phức tạp. Bởi với quy định mới, bản thân việc số hóa tài liệu của thư viện để phục vụ lưu trữ, bảo quản thường không vi phạm bản quyền nên dẫn đến việc đầu tư ồ ạt và số hóa tràn lan trong thời gian qua. Nhưng trong thư viện, tài nguyên thông tin không được đưa ra phục vụ thì không phát huy được giá trị, vì vậy có việc vi phạm bản quyền hay không phụ thuộc vào mục đích sử dụng của thư viện.
Nếu dùng với mục đích phổ biến rộng rãi ra công chúng ngoài phạm vi của thư viện hoặc nhằm mục đích thương mại sẽ ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của người nắm giữ bản quyền là vi phạm bản quyền. Vì vậy, người quản lý thư viện cũng như người làm thư viện nói chung cần nắm rõ trong quá trình xây dựng thư viện số, đặc biệt là quá trình số hóa tài liệu, xây dựng nguồn tài nguyên thông tin dạng số thì những tác phẩm nào, hành vi nào vi phạm bản quyền tác giả.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thu-vien-va-van-de-ban-quyen-5723604.html