Thua kiện vì không cho hàng xóm… tô tường

Vụ việc tưởng chừng như hết sức đơn giản, nhưng phải đưa ra tòa phân xử, để rồi bị đơn phải chấp hành, bởi sự việc dù nhỏ nhưng được pháp luật quy định hẳn hoi. Câu chuyện dưới đây cũng là bài học về tình làng nghĩa xóm, 'bán bà con xa, mua láng giềng gần' trong cuộc sống.

Không cho vì xích mích

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Phú Quý đã xét xử vụ án sơ thẩm dân sự “Tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất” và tuyên buộc vợ chồng ông NX và bà LTL (gọi tắt là vợ chồng ông X) phải cho gia đình anh VNT (cùng ngụ tại xã Ngũ Phụng), là hàng xóm sát nhà ông X, được bắt giàn giáo bên đất nhà mình để tô tường cho căn nhà mới xây của anh T.

Bức tường tô dở dang (bên phải) và phần tôn (ô vuông) vừa được lợp gây cản trở sau khi tòa tuyên án

Bức tường tô dở dang (bên phải) và phần tôn (ô vuông) vừa được lợp gây cản trở sau khi tòa tuyên án

Theo hồ sơ, tháng 3/2024, vợ chồng anh T tiến hành xây dựng căn nhà có kết cấu 1 trệt, 1 lầu tại thửa đất hợp pháp sát nhà ông X. Khi xây dựng anh T có lập bản vẽ xác định vị trí xây dựng trên thửa đất và gửi đến UBND xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý theo đúng quy định. Trong quá trình xây dựng nhà, anh T có chừa ra ranh giới đất giữa đất nhà với nhà ông X khoảng cách từ 15 cm – 35 cm và xây tường thành ngăn cách để phân định ranh giới đất giữa 2 nhà. Diện tích xây dựng nhà của anh T hoàn toàn không xâm phạm đến thửa đất của gia đình ông X đang sử dụng. Hiện tại nhà ông X đang là nhà cấp 4, cách ranh giới với tường thành nhà anh T từ 2,5 – 3 mét.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện ngôi nhà, anh T có nhờ những người hàng xóm và những người có uy tín trong xóm nhiều lần đến nói chuyện với gia đình ông X về việc để cho anh T lắp đặt giàn gỗ tạm trên không nhằm mục đích tạo điểm tựa để các thợ hồ đứng tô bức tường nhà giáp với nhà của ông X, nhưng vợ chồng ông X không đồng ý. Đến ngày 2/5/2024, anh T và các thợ thi công có đặt giàn trên không theo dạng tấm ván treo trên không để tô tường ngoài, giàn gỗ được đặt trên không một phần trên đất của anh T và một phần có lấn qua phần đất hạn chế trên không của gia đình ông X 15 – 40 cm. Dù trên không và không ảnh hưởng hay gây hư hại gì đến công trình của gia đình ông X, tuy nhiên, gia đình ông X nhiều lần ra chửi bới, dùng những lời lẽ thô tục gây mất trật tự xóm làng. Thậm chí còn có lời lẽ đe dọa vũ lực nếu giàn trên không lấn qua phần đất trên không của gia đình ông X. Sự việc tiếp diễn những ngày sau đó làm cho các thợ làm việc trên cao rất dễ gây ra tai nạn nên anh T cho thợ ngừng thi công phần tô tường ngoài phía nhà ông X.

Sau đó anh T đã gửi đơn đến chính quyền yêu cầu giải quyết và ngày 25/6/2024, UBND xã Ngũ Phụng đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Theo biên bản hòa giải, vợ chồng ông X cho rằng: “Do trước đây có xích mích nên tình cảm hàng xóm láng giềng không còn nữa. Nếu như gia đình anh T có lời xin lỗi trước, thì vợ chồng ông X không đến nỗi khó khăn gì. Vì quá nhiều việc họ không tôn trọng gia đình tôi nên tôi không cho đặt giàn giáo để tô tường nhà…”. Trong bản án vợ ông X cho biết thêm vì lúc xây nhà họ không qua nói trước xin tô tường đợi đến khi xây lên cao rồi bỏ giàn qua, nên nhà bà không đồng ý cho tô tường…

Ra tòa phân xử

Việc hòa giải không thành, dẫn đến việc căn nhà bị tô dở dang. Sợ ảnh hưởng hơi nước biển gây hư hỏng căn nhà nên anh T buộc lòng phải khởi kiện ra tòa để phân xử về hành vi “cản trở quyền sử dụng đất đối với bất động sản liền kề” làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình anh T.

Theo nội dung khởi kiện của anh T, căn cứ Điều 248 Bộ luật Dân sự năm 2015 về nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề có nêu cụ thể như sau: (i” Phải bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản chịu hưởng quyền và bất động sản hưởng quyền. ii” Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn. ii” Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền); Căn cứ Khoản 1, Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định về Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề quy định: “1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí gas; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề”. Căn cứ quy định nêu trên thì việc gia đình ông X có hành vi ngăn cản không cho lắp đặt giàn gỗ tạm trên không để tô bức tường nhà giáp ranh với gia đình ông X là hành vi cản trở quyền sử dụng đất đối với bất động sản liền kề làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh T.

Mới đây, sự việc được Tòa án huyện Phú Quý đưa ra phân xử và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T. Theo đó anh T được quyền sử dụng phần không gian bên hông nhà của ông X để thực hiện việc tô trát mảng tường ngoài nhà đúng theo phương án của đơn vị thi công đưa ra. Trước khi thực hiện, anh T phải thông báo cho bị đơn biết thời gian thực hiện và phải đề nghị chính quyền địa phương xác nhận hiện trạng tài sản liền kề để làm cơ sở khắc phục, sửa chữa trong quá trình tô vách, sơn tường nếu có xảy ra thiệt hại. Mới đây sau khi bản án được tuyên và có hiệu lực pháp luật. Gia đình ông X lại tiếp tục gây cản trở gia đình anh T tô tường bằng cách xây tạm bợ thêm mái tôn ngay tại vị trí không gian bên hông nhà để làm thay đổi hiện trường nhằm mục đích không thi hành bản án đã tuyên, gây khó khăn cho thợ thi công tô tường, nên buộc anh T phải tiếp tục khiếu nại.

Người xưa có câu “Đôi bên là kẻ thuộc quen. Trong cơn tối lửa tắt đèn có nhau” để nói về tình nghĩa xóm làng. Qua câu chuyện này có thể thấy, chuyện không đáng và đến mức phải đưa nhau ra tòa, nếu như mỗi bên biết nhường nhịn nhau.

TRẦN HUỲNH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thua-kien-vi-khong-cho-hang-xom-to-tuong-125636.html