Thừa Thiên-Huế: Bảo tồn và phát huy Khu chứng tích Lao Thừa Phủ
Tại Khu chứng tích Lao Thừa Phủ, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ nhà cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên yêu nước.
Ngày 22/12, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức Lễ khánh thành bảo tồn và phát huy Khu chứng tích Lao Thừa Phủ, một trong những địa danh nổi tiếng lưu dấu tội ác của chính quyền thực dân.
Khu chứng tích Lao Thừa Phủ nằm trên đường Lê Lai (thành phố Huế) đã có lịch sử hơn 100 năm.
Tại đây, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai đã giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ nhà cách mạng, những đảng viên cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên và đồng bào yêu nước, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Hải Triều...
Khu chứng tích Lao Thừa Phủ hiện có diện tích khoảng 1.300m2.
Dự án trùng tu tôn tạo gồm các hạng mục như cải tạo tháp canh ở phía Tây-Nam, cải tạo nhà giam thời Mỹ, lô cốt; phục hồi nguyên trạng nhà giam đồng chí Tố Hữu và hai cổng nhà lao; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ phục vụ khách du lịch và một số hạng mục phụ trợ...
Lao Thừa Phủ nguyên là một phần của trại Thủy Sư (nơi ở của đơn vị Thủy binh nhà Nguyễn). Năm 1899, thực dân Pháp và chính quyền tay sai biến nơi đây thành nhà giam. Cái tên Lao Thừa Phủ ra đời từ đó.
Ban đầu, Lao Thừa Phủ có quy mô khá nhỏ, về sau thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tiếp tục mở rộng dần, xây dựng thêm nhiều dãy nhà giam khác nhau cùng hệ thống hàng rào bảo vệ và các chòi canh nhằm ngăn chặn tù nhân vượt ngục.
Tháng 8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công ở Cố đô Huế, Lao Thừa Phủ bị đập phá, chỉ giữ lại một số buồng giam để giam giữ những thành phần phản cách mạng thân Nhật.
Sau khi chiếm lại Huế, thực dân Pháp đã cho xây dựng lại nhà tù này. Năm 1954, bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn cho cải tạo, xây mới nhà biệt giam, hầm tối, chuồng cọp để làm nơi giam giữ những đảng viên cộng sản và những người yêu nước.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết để phát huy giá trị khu chứng tích Lao Thừa Phủ, thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng đề cương trưng bày thông qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật nhằm tái hiện không gian nhà tù nơi đây với tinh thần anh dũng, chí khí hiên ngang, kiên cường bất khuất của các chiến sỹ cách mạng.
Điều này nhằm góp phần giới thiệu đến du khách về lịch sử yêu nước bất khuất của dân tộc, đồng thời là một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng sẽ làm hồ sơ khoa học trình các cấp xem xét công nhận khu chứng tích Lao Thừa Phủ là điểm di tích lịch sử./.