Thừa Thiên-Huế: Cấp thiết tìm giải pháp chống hạn cho cây trồng giữa mùa mưa

Lượng mưa trung bình từ đầu năm đến nay ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thấp 'kỷ lục' so với nhiều năm qua khiến các hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước nghiêm trọng. Tình trạng này dẫn đến khô hạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp buộc các cơ quan chức năng phải khẩn cấp tìm giải pháp phòng chống hạn hán.

Nếu vào các năm trước đây, cứ đến mùa mưa thì địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có những đợt mưa kéo dài cả tháng, góp phần bổ sung nguồn nước cho các ao hồ, sông suối và các hồ thủy lợi, thủy điện. Tuy nhiên, vào mùa mưa năm 2019, số cơn mưa ở tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó có 4 đợt mưa lớn trên diện rộng không đủ cung cấp lượng nước cho ao hồ đang bị khô hạn nặng.

Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên-Huế không đạt dung tích chứa nước hữu ích dù đang giữa mùa mưa.

Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thừa Thiên-Huế không đạt dung tích chứa nước hữu ích dù đang giữa mùa mưa.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên-Huế, lượng mưa ở tỉnh rất thấp, chỉ đạt 60-70% trung bình cả năm, nhiệt độ trung bình cả năm cao hơn trung bình nhiều năm trước từ 0,8 đến 2 độ C.

Đến những ngày cuối tháng 12-2019, dù đang là thời điểm cuối Đông nhưng mực nước ở các hồ thủy lợi, thủy điện biến động không nhiều so với mùa hè vừa qua khi tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy lợi, thủy điện chỉ đạt 49,63%. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, vụ Đông Xuân 2019-2020 sẽ bị thiếu hụt nước vào cuối vụ và có khả năng kéo dài đến vụ Hè Thu 2020 khi dự báo lượng mưa trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm 30% và nắng nóng xuất hiện cục bộ.

Tình trạng các hồ chứa thiếu nước, đồng ruộng khô hạn, thời tiết lại có nắng gắt vào mùa mưa khiến nhiều nông dân không khỏi lo ngại khi đang bước vào vụ sản xuất Đông Xuân. Ông Lê Văn Hậu (45 tuổi, ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) bày tỏ lo lắng: “Cây lạc vốn chịu được khô hạn nhưng vụ mùa vừa rồi, gia đình tôi mất trắng gần 1ha lạc vì cây không phát triển, sâu bệnh nhiều do hạn hán nghiêm trọng. Đến cây lạc, cây sắn cũng chết khô thì thử hỏi cây lúa làm sao sống được”.

Địa bàn huyện Quảng Điền vốn là địa phương thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên-Huế, tuy nhiên theo ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, dự báo trong năm 2020, huyện có 100ha đất nông nghiệp bị hạn phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó dự kiến có 60ha chuyển sang trồng sen; 25ha trồng khoan lang tím, cây ném...

Tương tự, tại các vùng thấp trũng thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền bình quân mỗi năm thường có ít nhất từ 1 đến 2 đợt lũ mang phù sa về bồi đắp đồng ruộng nhưng năm nay thì các địa phương này chưa đón cơn lũ nào.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch huyện Phong Điền cho hay, để chủ động trong việc chống hạn, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức rà soát hệ thống kênh mương, khắc phục các điểm hư hỏng trên hệ thống tưới tiêu, tránh thất thoát nước ở đầu nguồn, thiếu nước ở vùng hạ du. Đồng thời chỉ đạo phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các xã thực hiện chuyển đổi cây trồng chống hạn tốt để sản xuất, tránh thiệt hại cho nông dân.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 28.667ha lúa và 3.591ha rau màu các loại. Với tình hình khô hạn diễn ra như hiện nay thì dự báo sẽ có 2.192ha bị thiếu nước, phải chuyển đổi 491ha cây trồng phù hợp.

Ngoài ra, sẽ có nhiều diện tích hoa màu, sắn, lạc bị khô hạn tập trung ở các vùng như xã Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền); phường Hương Văn, Hương Vân, Hương Xuân, Hương Chữ (thị xã Hương Trà). Đối với vụ lúa Hè Thu năm 2020, dự kiến có khoảng 3.000ha lúa ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng núi huyện Nam Đông, A Lưới và các vùng cuối kênh không chủ động được nguồn nước tưới.

Trước tình hình thời tiết diễn biến khắc nghiệt, khô hạn kéo dài ở địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị liên quan với các Sở, ngành địa phương để bàn tìm giải pháp phòng chống hạn hán.

Qua đó, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã khẩn trương tiến hành các giải pháp chống hạn, tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 như nạo vét các tuyến hói, kênh dẫn nước từ các cống vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ; tu bổ kênh mương, đặc biệt quan tâm các tuyến kênh bê tông nội đồng bị hư hỏng nặng của các hợp tác xã; tiến hành khảo sát, lập phương án lắp đặt trạm bơm tạo nguồn tưới khi hạn hán nặng xảy ra; nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt cho vùng ruộng ven phá và vùng biển.

“Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống hạn, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản chống hạn ngắn hạn và trung hạn, bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình để xử lý hạn hán kịp thời. Bên cạnh đó, cần chủ động chuyển đổi cây trồng nhằm tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Ngoài ra, cần phải sử dụng tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ngắn ngày phù hợp”, ông Phương khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/thua-thien-hue-cap-thiet-tim-giai-phap-chong-han-cho-cay-trong-giua-mua-mua-575975/