Thừa Thiên Huế đẩy mạnh tạo cầu điều trị PrEP
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức bằng nhiều hình thức để tạo cầu cho PrEP.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, trước đây HIV chủ yếu lây qua đường máu, tuy nhiên vài năm trở lại đây, người nhiễm HIV phần lớn lây qua quan hệ tình dục không an toàn.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được chứng minh là có hiệu quả trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chuyển giới nữ, người dị tính và cả những người tiêm chích ma túy...
Tuy nhiên, để PrEP có thể phát huy được tối đa hiệu quả, người dùng phải tuân thủ việc uống thuốc mỗi ngày và đúng giờ. Việc đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thanh, thiếu niên về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, đóng vai trò rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lây nhiễm, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe con người cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội.
PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Với hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90%, PrEP đã là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả.
Trong bối cảnh số ca lây nhiễm HIV tăng nhanh trong cộng đồng MSM, LGBT, việc áp dụng PrEP là một phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của virus này. Để đảm bảo hiệu quả cao nhất, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cần được tư vấn và hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng PrEP.
Ngoài ra, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng cần thực hiện các biện pháp phòng tránh khác như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục (để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục), thực hiện kiểm tra HIV định kỳ và tham gia các chương trình giáo dục về HIV/AIDS.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống như truyền thông trực tiếp tại các trường THPT, các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn, đơn vị cũng đẩy mạnh truyền thông tại các nhóm đồng đẳng, cấp phát tờ rơi, cung cấp các vật phẩm dự phòng như bao cao su, mẫu test nhanh HIV…
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông qua các nền tảng số để các bạn trẻ dễ tiếp cận, như các Website, Facebook, Tiktok, các ứng dụng dành cho cộng đồng LGBT.
Bắt đầu triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ ngày 19/4, tính đến cuối tháng 10/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thu dung và điều trị PrEP cho 119 khách hàng, trong đó có 110 nam, 8 nữ (99 nam quan hệ tình dục đồng giới, 12 bạn tình người nhiễm HIV, 5 người là nghiện chích ma túy, 2 khách hàng đối tượng khác…). Đây là những con số bước đầu của công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
"Thừa Thiên Huế là tỉnh có nhiều trường Cao đẳng, Đại học đóng trên địa bàn, thu hút lượng lớn học sinh, sinh viên các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên đến học tập. Vì vậy, ngành y tế sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tạo cầu cho PrEP, phấn đấu tiếp cận thêm nhiều khách hàng nguy cơ cao, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng LGBT nói riêng và toàn địa bàn tỉnh nói chung", lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ.