Thừa Thiên Huế: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP
Tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ hình thành nền kinh tế số, tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh chiếm từ 15% trở lên. Thực hiện thành công chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hình thành Chính quyền số các cấp; trở thành đô thị thông minh tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đề ra là xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Mục tiêu đến năm 2025, hình thành nền kinh tế số, tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh chiếm từ 15% trở lên. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Thực hiện thành công chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hình thành chính quyền số các cấp; trở thành đô thị thông minh tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ bản hoàn thành triển khai các hạng mục, dự án thành phần của chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Cạnh đó, sẽ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh theo cơ chế thị trường; hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao và các tổ chức nghiên cứu đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của vùng và quốc gia; trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ. Thực hiện chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đến 100% cấp thôn trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở công nghệ 5G. Hoàn thiện mạng lưới chuyển phát toàn tỉnh, 100% hộ gia đình được gắn mã bưu chính.
Đến năm 2030, mạng di động 5G phủ sóng toàn tỉnh, 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh giá rẻ, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp, được cài đặt các ứng dụng tiện ích của chính quyền số và truyền thông số.
Kinh tế số trở thành nền kinh tế chủ lực của tỉnh, chiếm từ 20% GRDP toàn tỉnh trở lên. Cơ cấu kinh tế: Dịch vụ; công nghiệp và xây dựng; nông nghiệp, trong đó các dịch vụ du lịch thông minh, công nghiệp công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao là trọng tâm và đột phá.
Hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế dựa trên các công nghệ Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, công nghệ blockchain và internet vạn vật; hình thành mạng lưới các đô thị thông minh trong toàn tỉnh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong cả nước và quốc tế.
Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục, công nghệ và du lịch thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong cả nước và khu vực Đông Nam Á; có khả năng ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra các nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và đổi mới tư duy, nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó cần đổi mới và hoàn thiện khung chính sách phục vụ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Song song với đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và công dân số. Phát triển Công nghiệp công nghệ thông tin và hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung. Hình thành Khu công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ ưu tiên. Xây dựng, hoàn thiện Chính quyền điện tử, đô thị thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số…