Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp san lấp mặt bằng trái phép, chính quyền 'gặp khó' trong xử lý

Một diện tích đất lớn nằm ngay cạnh Quốc lộ 1 đoạn đi qua thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, (Thừa Thiên Huế) đã bị một đơn vị vận tải tự ý san lấp trái phép để làm bãi đỗ xe chở dăm gỗ.

Ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều người dân lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn Km883 thuộc địa phận thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) bất ngờ khi nhìn thấy một diện tích đất khá lớn nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ đã bị san lấp làm bãi đỗ xe, gây mất an toàn giao thông.

Diện tích đất nằm trong hành lang an toàn giao thông được ông Hải tự ý san lấp trái phép làm bãi đỗ xe.

Diện tích đất nằm trong hành lang an toàn giao thông được ông Hải tự ý san lấp trái phép làm bãi đỗ xe.

Các tài liệu liên quan cho thấy, diện tích đất bị san lấp nói trên nằm tại thửa đất số 28, 37 tờ bản đồ số 54 (đất được UBND xã Lộc Tiến quản lý) nhưng ông Nguyễn Xuân Hải (trú tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) đã tự ý chở đất đá san lấp trái phép với tổng diện tích 120 m2 và có chiều cao 1,1m.

Làm việc với UBND xã Lộc Tiến, ông Hải thừa nhận, thời gian qua có thành lập một đơn vị vận tải để phục vụ vận chuyển dăm gỗ, do không có bãi đậu đổ để đảm bảo an toàn nên mới tự ý san lấp vị trí thửa đất trên để làm bãi đậu xe.

Trao đổi với Gia đình Việt Nam, ông Phan Huy Thứ - Cán bộ địa chính xã Lộc Tiến cho biết, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày mùng 4 Tết ông Hải đã cho người tự ý san lấp đến ngày mùng 7 xã phát hiện nhưng khi đó diện tích đất trên đã được san lấp xong.

“Việc tự ý san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn giao thông đường bộ là vi phạm quy định nên UBND xã Lộc Tiến yêu cầu ông Hải di dời toàn bộ đất đá đã san lấp ra khỏi vị trí thửa đất trền và khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong thời hạn 03 ngày (đến trước ngày 01/3/2021)", ông Thứ nói.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Gia đình Việt Nam vào ngày 11/3 diện tích đất bị san lấp nói trên vẫn chưa được hoàn trả lại hiện trạng ban đầu theo biên bản làm việc trước đó. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng UBND xã Lộc Tiến đang “bất lực” trước hành vi vi phạm pháp luật của ông Hải?

Dù bị UBND xã Lộc Tiến lập biên bản, yêu cầu di dời lượng đất, đá khỏi diện tích san lấp trái phép trước ngày 1/3, tuy nhiên đến ngày 11/3 diện tích này vẫn chưa được trả lại hiện trạng ban đầu.

Dù bị UBND xã Lộc Tiến lập biên bản, yêu cầu di dời lượng đất, đá khỏi diện tích san lấp trái phép trước ngày 1/3, tuy nhiên đến ngày 11/3 diện tích này vẫn chưa được trả lại hiện trạng ban đầu.

Giải thích về vấn đề này, Đội trưởng Đội quản lý đô thị huyện Phú Lộc - ông Nguyễn Hinh cho biết, nếu người vi phạm không chủ động khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất thì lực lượng chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế. UBND xã Lộc Tiến cũng đã có kế hoạch tiến hành cưỡng chế vào đầu tháng 3 đối với diện tích đất san lấp trái phép nói trên, tuy nhiên, vì việc cưỡng chế liên quan đến nhiều lực lượng nên chưa thể tiến hành.

“Phía UBND xã Lộc Tiến đã xin lùi lịch cưỡng chế để hoàn trả lại hiện trạng đất nói trên vào ngày 30, 31/3. Kinh phí cưỡng chế do người vi phạm chịu tuy nhiên để thu được tiền của họ là rất khó nên xã đang làm tờ trình để huyện hỗ trợ kinh phí. Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của UBND huyện thì kinh phí cưỡng chế tạm thời sẽ do phía UBND xã chi trả”, ông Hinh cho biết.

Được biết, tại xã Lộc Tiến từ năm 2019 đến nay có 18 trường hợp san lấp mặt bằng trong phạm vi đất dành cho hành lang đường bộ. Trong đó, năm 2019 có 14 trường hợp, năm 2020 có 4 trường hợp.

Để san lấp được một diện tích lớn như thế các cá nhân hoặc tổ chức phải huy động nhiều xe và máy móc chở đất, đá. Địa điểm san lấp không khác gì một công trường. Vậy nhưng điều khó hiểu là phần lớn những vi phạm này đều không được ngăn chặn ngay từ đầu. Câu hỏi xin dành cho UBND xã Lộc Tiến và huyện Phú Lộc.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/thua-thien-hue-doanh-nghiep-san-lap-mat-bang-trai-phep-chinh-quyen-gap-kho-trong-xu-ly-d167632.html