Thừa Thiên Huế: Hơn 24 nghìn ngôi nhà bị ngập sâu, hơn 8 nghìn người phải sơ tán khẩn cấp
Ngày 10/10, Đoàn công tác của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Đoàn công tác của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn trong thời vừa qua, nhiều diện tích rau màu trên địa bàn tỉnh bị ngập, có khả năng bị hư hỏng.
Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng. Trong đó, diện tích nuôi tôm xem ghép chưa thu hoạch tại xã Giang Hải bị ngập úng 223 ha, 2 hồ nuôi Ốc Hương (xã Điền Hương, huyện Phong Điền) bị chết hàng loạt với số lượng khoảng 1,5 tấn, hư hỏng và thất thoát 12 lồng cá nuôi tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.
Nhiều ngôi ngà ngập sâu trong nước lũ.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của triều cường bờ biển ở huyện Phú Vang tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải với dài 3,5 km; qua xã Phú Thuận hơn 2,5 km; qua xã Phú Diên dài hơn 2,0 km; qua xã Phú hải dài khoảng 1,5 km, qua xã Hải Dương khoảng 1 km.
Tính đến ngày 10/10, các lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán tại chỗ 2.865 hộ dân với 8.360 nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 24.520 nhà bị ngập lụt từ 0,2 – 1,2m, 01 ngôi nhà bị sập.
Tuyến đường Huế đi A Lưới có nhiều đoạn bị sạt lở.
Dự báo, tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên Huế còn diễn biến phức tạp, người dân cần chú ý theo dõi các bản tin thời tiết cũng như tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc ứng phó với mưa lũ.
Trao đổi với đoàn công tác, Lãnh đạo tỉnh cho biết, do ảnh hưởng thời tiết cực đoan nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to trên diện rộng, trong đó đỉnh điểm lũ tại sông Bồ đã vượt mốc lũ lịch sử năm 1999. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo triển khai ứng phó với mưa lũ; kiểm tra, chỉ đạo vận hành hồ Tả Trạch, kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển Thuận An, Phú Vang; Giang Hải huyện Phú Lộc.
Cảnh đưa tang, hết sức thương tâm trong mùa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, nhờ chủ động trong công tác ứng phó mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ” nên đã khắc phục thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ lũ chồng lũ đang hiện hữu rất cao. Vì vậy, Ban chỉ đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng các phương án ứng phó mưa lũ để kịp thời cứu trợ, sơ tán người dân khi cần thiết; đồng thời chuẩn bị các nhu yếu phẩm để ứng phó với mưa lũ trong thời gian dài, đặc biệt là vùng hạ du với mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.
Để ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các địa phương kích hoạt công tác cứu trợ để kịp thời ứng cứu cho bà con nhân dân trong vùng ngập lụt. Bố trí lực lượng tại các điểm xung yếu, hướng dẫn người dân đi lại, đảm bảo an toàn giao thông. Các địa phương tiếp tục duy trì phương châm “4 tại chỗ”. Duy trì thông tin diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh để người dân nắm bắt, chủ động phòng chống. Đồng thời tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt.
Nước lũ dâng cao, người dân phải ngâm mình để di dời tài sản lên cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đánh giá cao công tác chủ động phòng chống thiên tai của các tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như nhân dân địa phương. Mặc dù lũ đã lên cao, một số nơi lũ còn ngập cao nhưng người dân vẫn được đảm bảo an toàn. Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, sẽ tiếp tục kéo dài, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục phòng chống thiên tai đề nghị người dân không được chủ quan, cần tích cực chuẩn bị lương thực, nước sạch sẵn sàng ứng phó trong tình huống mưa lũ kéo dài. Chính quyền địa phương khẩn trương rà soát, sẵn sàng có phương án hỗ trợ bà con nếu mưa lũ kéo dài. Tuyên truyền, hỗ trợ người dân đi lại qua sông suối an toàn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.