Thừa Thiên Huế: Khai thác tiềm năng du lịch đường sông

Nhiều tuyến du lịch đường sông đã và đang được hình thành cùng với việc xúc tiến xây dựng cầu tàu, bến du thuyền mở ra hướng mới cho phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cơ hội từ bến du thuyền

Theo đại diện nhiều hãng lữ hành chuyên khai thác khách du lịch hội nghị thì trên bản đồ du lịch Việt Nam, Huế đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách. Hiệu quả tích cực từ các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đến với thị trường trong nước, quốc tế và việc tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, du lịch, giải trí liên tục trong thời gian qua đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, sản phẩm du lịch đường sông đã và đang là một trong những thế mạnh lớn của ngành du lịch Huế, góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn cho du khách. Với lợi thế có sông Hương thơ mộng và những cây cầu nổi tiếng như Trường Tiền, Dã Viên, Phú Xuân…, giờ đây, các tour du lịch đường sông bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hương xinh đẹp đã không còn lạ lẫm với du khách trong và ngoài nước. Đặc biêt, dọc theo con sông gắn liền với sự phát triển, đổi thay của thành phố là các công trình ấn tượng.

Theo một hướng dẫn viên du lịch của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, “hình ảnh dòng sông Hương đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Huế, đồng thời trong một tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm du lịch đặc trưng tại dòng sông này sẽ gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, được xây dựng trên cơ sở chọn một địa điểm có các yếu tố cần thiết về mật độ dân cư, về lịch sử, văn hóa, hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian kiến trúc và những yếu tố khác về tổ chức dịch vụ du lịch nhằm tạo ra một điểm tham quan du lịch - điểm nhấn đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố, thu hút du khách, bạn bè đến với Huế và góp phần tăng thời gian lưu trú của du khách”.

Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng mà Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy đầu tư và quảng bá

Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng mà Thừa Thiên Huế đang thúc đẩy đầu tư và quảng bá

Tuy nhiên, từ những năm trước, nhiều hãng lữ hành đã tổ chức khai thác, giới thiệu sản phẩm du lịch đường sông song vẫn chưa thật sự thu hút, hấp dẫn du khách. Để du lịch đường sông phát triển bền vững thì thành phố cần tiếp tục đầu tư đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ với các hình thức du lịch khác; Đặc biệt cần nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ độc đáo, nhiều hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để níu chân du khách đi tour.

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã nỗ lực đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm du lịch về đêm như tuyến phố đi bộ ở bờ Nam đoạn đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão; ở bờ Bắc đang chuẩn bị đưa vào khai thác tuyến phố đêm ở các tuyến đường bao quanh khu vực Đại Nội. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch về đêm trên sông Hương, đặc biệt là ngắm cảnh, nghe hát ca Huế trên những chiếc thuyền đã có từ lâu nhưng dường như đang bị “bỏ ngỏ” về chất lượng hoạt động.

Hiện thực hóa giấc mơ

Anh Nguyễn Văn Thoàn – du khách đến từ TP Hồ Chí Minh vừa tham quan thuyền rồng trên sông Hương chia sẻ: Những chiếc thuyền rồng trên sông Hương hiện nay nội thất bên trong rất sơ sài, với một vài chồng ghế nhựa để du khách ngồi, dịch vụ ăn uống cũng rất nghèo nàn. Nhân viên phục vụ cũng chưa chuyên nghiệp lắm. Một số thuyền có bày bán đồ lưu niệm nhưng đều là những mặt hàng bình dân như vòng hạt, quạt giấy, các loại tượng bằng nhựa với giá bán vài chục ngàn đồng.

Bà Bela Pham – du khách đến từ Mỹ đã lựa chọn trải nghiệm trên thuyền rồng chở khách về đêm và nghe ca Huế. Theo bà Bela Pham, sản phẩm du lịch này cần phải thay đổi rất nhiều về trang trí không gian bên trong cũng như đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ở trên thuyền. Khách du lịch sẵn sàng chi trả giá vé cao đối với sản phẩm dịch vụ đẳng cấp tương xứng để trải nghiệm một lần sẽ muốn quay trở lại và giới thiệu cho nhiều người biết khi đi du lịch Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ đó là thực trạng lâu nay của dịch vụ của thuyền rồng chở du khách trên sông Hương. Hàng năm, ngành Du lịch đều tổ chức tập huấn các kỹ năng làm du lịch cho người dân ở đây nhưng dường như không mang lại kết quả như mong đợi. Hiện đang là thời điểm thích hợp để khuyến khích các chủ tàu khi đóng mới có thể thành lập các công ty siêu nhỏ để vừa nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vừa từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng vận chuyển hành khách cùng các dịch vụ đi kèm.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khắc Hùng cho biết: Du lịch trên sông Hương không còn mới mẻ, mấy chục năm nay khách đến là đi thuyền rồng nhưng nay thuyền đã cũ kỹ, dịch vụ kém, không đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Hy vọng trong thời gian tới, việc “thay áo mới” từ những chiếc thuyền Ngự Hương sẽ là cú hích cho du lịch đường sông nói riêng và du lịch Huế nói chung.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc, tỉnh đang có kế hoạch sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đầu tư nâng cấp, xây mới các bến thuyền, làm nền tảng mở rộng, phát triển du lịch đường sông. Trong đó, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư mới một số bến thuyền để đưa du khách đến các điểm di tích như Hổ Quyền, làng du lịch cộng đồng Thủy Biều, lăng Khải Định.

Giữa tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa du lịch đón khách quốc tế trở lại. Để đón đà phục hồi của ngành du lịch hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có những sản phẩm du lịch đẳng cấp, trong đó có dịch vụ du thuyền trên sông Hương.

Hầu Tỷ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/du-lich/thua-thien-hue-khai-thac-tiem-nang-du-lich-duong-song/20220327012338353