Thừa Thiên – Huế: Khánh thành Dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp

Ngày 12/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức lễ khánh thành Dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện.

Các đại biểu thăm 1 trọng 31 vị trí lắp đặt các trang thiết bị của dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các đại biểu thăm 1 trọng 31 vị trí lắp đặt các trang thiết bị của dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết: Dự án hỗ trợ kỹ thuật thí điểm do Chính phủ Nhật Bản tài trợ nhằm bảo vệ an toàn di tích lịch sử cố đô Huế và hạn chế tình trạng lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại cho lưu vực sông Hương, gồm 3 mục tiêu chính sau: Giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua việc thiết lập khung vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp.

Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương; góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng chống thiên tai; xây dựng mô hình thí điểm về vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả nhằm nghiên cứu nhân rộng đến các lưu vực sông khác. Tổng số vốn của dự án là 18,2 triệu USD (khoảng 414 tỷ đồng), trong đó vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản là 1,8 tỷ yên (tương đương trên 16,65 triệu USD).

Với sự chỉ đạo sát sao cũng như sự phối hợp của các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công Nhật Bản, đến nay, các khối lượng chính của dự án đã hoàn thành, về cơ bản đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ theo thỏa thuận viện trợ và văn kiện đã được phê duyệt. Hệ thống trang thiết bị hình thành từ dự án đã được nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng quản lý, sử dụng vào tháng 12/2022.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu, đơn vị tư vấn Nhật Bản như: FRICS JRC, FUJITSU, JESCO, SDM đã thực hiện các hạng mục dự án với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công. Ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh và các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng, giao đất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Ông Hoàng Hải Minh cho biết: Từ năm 2021 đến 2023, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sử dụng các sản phẩm phần mềm từ dự án như: Ảnh Radar Xband, đo mực nước các sông, đo lượng mưa, phần mềm dự báo mưa để hỗ trợ tham mưu, chỉ đạo, vận hành các hồ chứa nước, giám sát mưa lũ; chia sẻ thông tin đến các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai.

Các đại biểu cũng đi thăm trạm T2 tại đập thủy điện Bình Điền - một trọng 31 vị trí lắp đặt các trang thiết bị của dự án trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Chiều cùng ngày, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức hội thảo cuối kỳ Dự án vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện.

Trí Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thua-thien-hue-khanh-thanh-du-an-van-hanh-ho-chua-trong-tinh-huong-khan-cap-354039.html