Thừa Thiên - Huế: Lấy ý kiến về bảo tồn di tích cầu ngói Thanh Toàn

Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) đang chờ hoàn thành một số thủ tục để triển khai thi công trong năm 2019.

Di tích cầu ngói Thanh Toàn đang xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu ngói Thanh Toàn được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 575QÐ/VH ngày 14/7/1990. Công trình được xây dựng năm 1776, từ thế kỷ XVIII (cách đây hơn 243 năm). Cầu có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian.

Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016, với mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Công trình giao Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng thị xã Hương Thủy Làm chủ đầu tư.

Quy mô dự án sẽ triển khai hạ giải công trình, đánh giá cụ thể các cấu kiện, đảm bảo đúng quy chuẩn, quy định và nguyên tắc bảo tồn. Gia cố nền móng công trình; phục hồi hạng mục với yêu cầu tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc; phương án thiết kế phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và so sánh, đối chứng, đánh giá với hồ sơ khoa học, bản vẽ kỹ thuật của di tích đã được các cấp có thẩm quyền xác nhận nhằm bảo tồn các yếu tố gốc gắn liền với công trình (hệ kết cấu khung chính và các cấu kiện không đảm bảo về yêu cầu chịu lực; hệ ván lát sàn; hệ mái lợp ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; hệ trang trí bờ mái, bờ nóc, bờ quyết, ô hộc; toàn bộ màu sắc tổng thể công trình; hai câu đối khảm sành sứ ở đầu cầu). Bố trí điện chiếu sáng, trang trí cho công trình.

Ngày 7/10, trao đổi với ông Võ Ngọc Thành – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng thị xã Hương Thủy cho biết: Hội thảo góp ý dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích quốc gia cầu ngói Thanh Toàn vừa được Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế tổ chức để lấy ý kiến từ các sở, ngành và các nhà nghiên cứu về văn hóa Huế. Tại buổi hội thảo, các nhà nghiên cứu cơ bản đồng tình về phương án tu bổ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đề nghị đơn vị khảo sát, thi công cần đánh giá đầy đủ hiện trạng, triển khai số hóa các giá trị nguyên bản của di tích trước khi hạ giải, đảm bảo giữ nguyên giá trị các di tích liên quan sau khi dịch chuyển; quá trình xây dựng hồ sơ thi công cần đánh giá tính chính xác về nội dung, cấu kết đảm bảo tính vững chắc, tính chịu lực của công trình, đồng thời cần bổ sung các hạng mục về công trình chiếu sáng, trồng hoa. Quá trình tu bổ, tôn tạo cần chú trọng gìn giữ tối đa nguyên bản, vật liệu gốc...

“Hiện các thủ tục cơ bản hoàn thành chỉ đợi Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế thẩm định phương án thiết kế thi công. Khi được thẩm định xong chủ đầu tư sẽ triển khai thi công. Công trình dự kiến hoàn thành trong 1 năm, kể từ ngày khởi công”, ông Võ Ngọc Thành cho biết.

Trí Đức

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/thua-thien-hue-lay-y-kien-ve-bao-ton-di-tich-cau-ngoi-thanh-toan.html