Thừa Thiên Huế mong muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch
Là địa phương hội đủ các yếu tố phát triển thủy điện, điện gió, mặt trời với bờ biển dài, nhiều giờ nắng, tốc độ gió ổn định, diện tích mặt nước rộng… đó là những tiềm năng để Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm năng lượng khu vực.
Nguồn năng lượng dồi dào
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tỉnh được cấp điện từ hai nguồn chính, từ các nhà máy thủy điện, điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh và từ hệ thống điện Quốc gia thông qua trạm 220kV. Hiện tỉnh có 13 nhà máy thủy điện đang vận hành tổng công suất 459,3MW và 2 dự án điện năng lượng mặt trời tổng công suất 77MW và nhiều dự án điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, nhằm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mục tiêu về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thời gian tới Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng với tốc độ tăng trưởng GRDP.
Dự báo nhu cầu phụ tải công suất đỉnh (Pmax) năm 2022 (405,5MW) tăng 17,53% so với năm 2021; năm 2023 (463,4MW) tăng 14,28% so với năm 2022; năm 2024 (529,8MW) tăng 14,33% so với năm 2023 và năm 2025 (607,6MW) tăng 14,68% so với năm 2024.
Hiện, hai nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành (nhà máy Phong Điền và Phong Điền 2), khi nhà máy đi vào vận hành (năm 2019) đã đạt sản lượng 68,37 triệu kWh/năm, vượt sản lượng thiết kế đến 151,66%. Điều này cho thấy tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là rất lớn, có bức xạ mặt trời khá cao. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành 340ha đất tại khu vực huyện Phong Điền để phát triển điện mặt trời. Hiện nay có 1 dự án đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh với công suất 50MWp (Phong Hòa) và 6 dự án (Điền Môn, TTC Phong Điền 2, Phong Điền III, Điền Hương, Mỹ Xuyên, Phong Chương) đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 375,8 MWp; UBND tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch 3 dự án điện mặt trời mặt nước (Cầu Hai, Tam Giang, Tam Giang mở rộng ), tổng công suất 2.500MWp.
Theo số liệu của Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, tỉnh Thừa Thiên có chiều dài bờ biển 128km có tiềm năng trong việc phát triển điện gió trên bờ, tốc độ gió tại độ cao 80m từ 4,5 m/s – 6 m/s tương ứng với tiềm năng kỹ thuật 1.050 MW, đồng thời tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã quy hoạch 350ha tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để phát triển điện khí LNG...
Hướng đến nền năng lượng xanh
Tại hội nghị "Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh: Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh" do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, định hướng của Thừa Thiên Huế là phát triển năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, giữ lại vùng lõi di sản, điều này cũng tương đồng với cam kết của Việt Nam trong xu hướng phát triển xanh của thế giới.
“Quan điểm phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế là từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Thừa Thiên Huế có tiềm năng, đặc biệt, các nguồn sinh khối, năng lượng mặt trời, điện gió, điện khí… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững của tỉnh. Với những yếu tố và tiềm năng nêu trên, ngành công nghiệp năng lượng trên địa bàn giai đoạn tới sẽ chuyển dịch theo hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Nhằm góp phần việc đảm bảo, ổn định an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Ông John Rockhold - Chủ tịch AmCham chia sẻ, chúng tôi rất vui mừng và tự tin là Thừa Thiên Huế có thể dễ dàng thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi lãnh đạo tỉnh đã có sự lựa chọn đúng đắn trong đường hướng phát triển kinh tế xanh, đây cũng là xu thế toàn cầu.
Ông Nguyễn Lương Bảy – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh phát triển ngành công nghiệp bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, xây dựng các chính sách ưu đãi trong phát triển năng lượng tái tạo; khảo sát, đánh giá tiềm năng (điện mặt trời, mặt nước, điện gió...) từ đó có cơ sở để đầu tư, bổ sung vào nguồn năng lượng quốc gia; xây dựng trung tâm điện khí LNG tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Đồng thời, giảm khí thải nhà kính hướng đến nền công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tham vấn cho sự phát triển của ngành công thương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Lương Bảy chia sẻ.
Nguyễn Tuấn