Thừa Thiên Huế: Nhiều doanh nghiệp gặp khó, ngừng hoạt động

Do ảnh hưởng những khó khăn chung nền kinh tế trong nước, nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tạm ngừng hoạt động.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GRDP quý III ước tăng 9,82% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,28%, quý II tăng 7,42%).

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc, tháo gỡ vướng mắc tại doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc, tháo gỡ vướng mắc tại doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Minh

Tuy vậy, những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận nhà đầu tư, khởi công dự án nhưng tiến độ triển khai còn chậm…

Thông tin tại buổi họp báo quý III/2024, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp gặp khó, chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách đạt 13.600 tỷ đồng trong năm 2024 là thách thức rất lớn của tỉnh trong 3 tháng cuối năm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, những tháng cuối năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Đồng thời, đôn đốc, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm: Nhà máy Kanglongda Huế, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế triển khai giai đoạn 2 các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp. Nâng cao hiệu quả 4 Tổ công tác giám sát, quản lý dự án đầu tư của UBND tỉnh để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Tăng cường công tác giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách theo quy định.

Kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng..., đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng, trọng điểm: Dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2…

Đồng thời, triển khai kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng Thừa Thiên Huế. Tiếp tục xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành giá; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-nhieu-doanh-nghiep-gap-kho-ngung-hoat-dong-351033.html