Thừa Thiên Huế: Nhiều khó khăn trong việc hạn chế người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản yêu cầu hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, sau vụ mùa thu hoạch lúa. Đây là việc làm cần thiết nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai.
Văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, trong thời gian qua, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa xảy ra ở nhiều địa phương. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông do việc đốt rơm rạ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại đốt rơm rạ trên đồng ruộng để người dân biết và tự giác chấp hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ trên đồng ruộng, trên đường giao thông, gây cản trở và làm mất an toàn giao thông theo thẩm quyền.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương trên cơ sở thông tin tiếp nhận phản ánh về việc đốt rơm rạ, tiến hành xử phạt theo Điều 41, Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo đúng thẩm quyền và quy định.
Công văn nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc để người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND, ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cơ giới hóa trong việc thu gom rơm, rạ sau khi thu hoạch, mỗi cá nhân, hộ gia đình, các hợp tác xã (HTX) khi mua máy cuộn rơm sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí và tối đa không quá 200 triệu đồng/máy. Biện pháp hỗ trợ người dân đã có nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Trần Duy Việt (Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) cho biết, UBND xã đã chỉ đạo các HTX tiến hành họp dân tuyên truyền cho người dân biết về việc không được đốt rơm rạ trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Đồng thời vận động người dân đăng ký mua máy cuộn rơm nhưng cũng không được người dân hưởng ứng tham gia.
Theo ông Đoàn Giàng (Giám đốc HTX Đông Toàn, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) chia sẻ: "Đồng ruộng toàn xã Hương Toàn gần 600 ha, riêng HTX chúng tôi có trên 280 ha. Cách thu hoạch vụ Đông Xuân như hiện nay là gặt đến đâu phải vệ sinh đồng ruộng đến đó để kịp thời gieo sạ vụ hè thu. Nếu dùng máy cuộn rơm để thu gom rơm trên toàn bộ diện tích thì phải cần đến 20 máy cuộn rơm mới cuộn kịp".
Ông Giàng nói tiếp: "Lãnh đạo xã tổ chức họp dân để vận động mua máy cuộn rơm nhưng không có ai tham gia. Họ không tham gia cũng đúng tại vì mua 1 cái máy cuộn rơm với giá 360 triệu đồng. Nhà nước hỗ trợ 50% nhưng khi mua về cuộn rơm tại đồng ruộng thì ai sẽ trả tiền cho ai? Và khi cuộn xong đem số lượng rơm này đi đâu và bán lại cho ai?"
"Thời gian gặt lúa vụ Đông Xuân đến khi gieo sạ cho vụ Hè Thu là 1 tuần. Nếu để rơm ngoài đồng ruộng thì máy cày không thể cày được, buộc người dân phải đốt theo kiểu truyền thống" - ông Giàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Đức (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 60 máy cuộn rơm. Số lượng máy này chưa đảm bảo cho việc cuộn hết diện tích đồng ruộng trên địa bàn tỉnh. Chủ máy cuộn rơm phải trả tiền cho người nông dân. Hiện nay, Sở đang kết nối để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rơm khô".
Nếu không tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm rơm khô thì Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc cơ giới hóa trong việc thu gom rơm, rạ sau khi thu hoạch sẽ không khả thi. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử phạt hành vi đốt rơm gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông cũng còn nhiều khó khăn.