Thừa Thiên Huế: Phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa cho các sản phẩm vùng nước lợ

Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng đầm phá, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu ban hành một số chính sách như khuyến khích phát triển thương hiệu cho các đối tượng đặc hữu. Bên cạnh đó cần hỗ trợ doanh nghiệp để gắn kết giữa sản xuất và thị trường; khuyến khích cá nhân, tổ chức nhận quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp phát triển nuôi thủy sản theo hướng sinh thái kết hợp du lịch.

Đó là nhấn mạnh của ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa cho các sản phẩm hải sản vùng Tam Giang – Cầu Hai” do Sở Khoa học Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 18/12.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Đầm phá Tam Giang- Cầu Hai (TG-CH) là tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên đã ưu đãi dành cho Thừa Thiên Huế. Trong thời gian qua, để khai thác tốt tiềm năng của vùng đầm phá, tỉnh đã xác định ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản là chủ lực, qua đó đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản có sự kết hợp 04 nhà (nhà khoa học - quản lý - người nuôi - doanh nghiệp) và đầu tư dự án Khu công nghiệp chế biến thủy hải sản ở vùng đầm phá TG-CH.

Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, trong thời gian qua, các địa phương và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn cho một số sản phẩm nông sản như thanh trà, tinh dầu tràm, gia vị bún bò Huế…

“Tuy nhiên, sản phẩm hải sản có giá trị cao ở vùng đầm phá thì chưa thực hiện theo mô hình chuỗi giá trị. Vì vậy, tại Hội thảo này, chúng tôi mong muốn lắng nghe những tham luận, báo cáo khoa học, ý tưởng mới, những đóng góp quý báu, định hướng cho việc phát triển chuỗi giá trị, nâng cao khả năng thương mại hóa và tiến đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hải sản vùng đầm phá TG-CH”, ông Thắng nhấn mạnh.

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, giải pháp chủ yếu về hạ tầng trong giai đoạn tới là đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi cao triều đảm bảo áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, hướng đến áp dụng công nghệ cao; sắp xếp lại vùng nuôi chắn sáo (dùng lưới và cọc tre để rào chắn kỹ lại khu vực nuôi), cá lồng và chuyển đổi dần việc áp dụng lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến như lồng Đan Mạch quy mô nhỏ, hoặc gia cố hạ tầng vùng nuôi hạ triều đảm bảo kiểm soát được môi trường nước trong ao nuôi, chủ động các biện pháp kỹ thuật.

Các địa phương vùng đầm phá TG-CH có chung một quan điểm - muốn phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cá đặc sản thì cần phải đảm bảo các khâu, từ vùng nguyên liệu đến bảo quản đóng gói, xây dựng mẫu mã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tổ chức kênh phân phối, thu mua sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Theo đó, các địa phương đề nghị ngành nông nghiệp cần xây dựng vùng nuôi chuyên canh các loại cá đặc sản có giá trị cao; hướng dẫn người dân, các cơ sở tăng cường ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, phương pháp bảo quản chế biến sau thu hoạch đối với các sản phẩm cá đặc sản như cá nâu, cá ông bầu, cá dìa và cá vẩu....

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo

Về định hướng phát triển chuỗi thị trường sản phẩm thủy sản đặc sản, thủy sản đầm phá ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế - chia sẻ: Về lâu dài cần xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sản phẩm thủy sản đặc sản và tăng cường quảng bá các sản phẩm thủy sản đặc sản đầm phá; tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung, mở rộng thị trường bằng cách khuyến khích các hộ chế biến nhỏ lẻ tại các xã ven biển.

Nhiều ý kiến tại đây cho rằng, những yếu tố trong quy trình nuôi thủy sản trên đầm phá TG-CH từ đầu vào đến đầu ra là những mắt xích quan trọng. Các mắt xích hoạt động kém hiệu quả thì mối liên kết sẽ khó bền vững. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất cho người nuôi thủy sản ở đầm phá là hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp và người nông dân (người nuôi) chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp chỉ thu mua hải sản qua thương lái và người nuôi chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu, để phát triển vùng nuôi trồng thủy sản bền vững vùng đầm phá, tỉnh Thừa Thiên Huế cần nghiên cứu ban hành một số chính sách như khuyến khích phát triển thương hiệu cho các đối tượng đặc hữu; hỗ trợ phát triển các mô hình nuôi thủy sản hướng VietGAP, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao…; hỗ trợ doanh nghiệp để gắn kết giữa sản xuất và thị trường; khuyến khích cá nhân, tổ chức nhận quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn kết hợp phát triển nuôi thủy sản theo hướng sinh thái kết hợp du lịch.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-phat-trien-chuoi-gia-tri-va-nang-cao-kha-nang-thuong-mai-hoa-cho-cac-san-pham-vung-nuoc-lo-149638.html