Thừa Thiên - Huế quay quắt trong nắng hạn

Nắng hạn kéo dài từ đầu năm đến nay đã khiến tình hình sản xuất vụ lúa hè thu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ một vụ mùa mất trắng.

Nhiều cánh đồng ở Thừa Thiên - Huế khô khốc vì nắng nóng kéo dài.

Nhiều cánh đồng ở Thừa Thiên - Huế khô khốc vì nắng nóng kéo dài.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, theo kế hoạch vụ hè thu năm nay toàn tỉnh sẽ tiến hành gieo trồng khoảng 25.879 ha lúa, thế nhưng với tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, hơn 2.000 hecta lúa thuộc vùng bị khô hạn không thể gieo sạ được.

Tại huyện miền núi A Lưới, nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến cho tình hình sản xuất lúa vụ hè thu của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ vụ mùa năm nay bị mất trắng là rất cao.

Ông Hồ Văn Xuân (xã A Ngo, huyện A Lưới) cho biết,vụ hè thu năm nay gia đình ông gieo sạ 4 sào lúa, với tình hình nắng nóng như hiện nay thì nguy cơ trắng tay trong mùa vụ năm nay là điều rất dễ xảy ra. “Bây giờ chỉ còn biết cầu mong vào ông Trời cho mưa xuống, chứ chẳng còn cách nào khác để cứu lúa”- ông Mãi nói.

Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, nắng hạn kéo dài từ đầu năm đến nay khiến mực nước tại các ao hồ, sông suối, đập dâng… cạn kiệt khiến việc xuống giống vụ hè thu năm nay của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của UBND xã A Ngo, toàn xã có gần 100 ha lúa nước, vụ hè thu năm nay do thiếu nước, chính quyền đã vận động một số hộ dân chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn tốt hơn.

Không riêng gì xã A Ngo, hơn 300 hecta lúa đông xuân ở huyện A Lưới tập trung ở các xã Trung Sơn, Sơn Thủy, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt và thị trấn A Lưới cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Trước tình trạng hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp, Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị các địa phương cần chủ động và có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa bị khô hạn thiếu nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.

Ông Văn Lập-Trưởng phòng NNPTNT huyện A Lưới cho biết, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều phương án phòng, chống hạn sản xuất nông nghiệp năm 2020 như sử dụng các máy bơm dầu lưu động, tận dụng các hồ, suối để chủ động bơm tưới tiêu cho lúa khi cần thiết, đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhỏ các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp; kiên quyết và vận động người dân chuyển đổi cây trồng.

“Việc chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cây trồng là biện pháp cách hiệu quả nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số xã như Sơn Thủy, Trung Sơn… đã thực hiện việc chuyển đổi này và đây cũng là mô hình để những xã các vùng trọng điểm khô hạn làm theo”- ông Lập thông tin.

Tại buổi kiểm tra thực tế về tình hình hạn hán tại xã Trung Sơn mới đây, Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu đã yêu cầu các ngành chức năng của huyện cần chủ động và có phương án ứng phó với tình hình hạn hán trong thời gian tới, khuyến khích người dân điều tiết và sử dụng tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất. Vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng lúa bị hạn sang gieo trồng các loại cây ngắn ngày có khả nặng chịu hạn cao, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân.

Ngoài huyện A Lưới nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế như huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… cũng rơi vào tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn khiến hàng trăm hecta lúa của người dân bị chết, nguy cơ trắng tay ngay từ đầu vụ là rất lớn.

Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí điện, dầu vượt định mức và sửa chữa các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước chống hạn là khoảng 87,5 tỷ đồng.

Nguyễn Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/thua-thien-hue-quay-quat-trong-nang-han-tintuc467086