Thừa Thiên – Huế: Quy hoạch khu trung tâm phía Nam thành phố Huế rộng 388ha

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu trung tâm phía Nam (thành phố Huế) với diện tích khoảng 388,07ha, quy mô dân số đến năm 2045, với khoảng 37.000 người.

Quy hoạch phân khu trung tâm phía Nam (thành phố Huế) với chức năng trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ du lịch…

Quy hoạch phân khu trung tâm phía Nam (thành phố Huế) với chức năng trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ du lịch…

Quy hoạch phân khu khu trung tâm phía Nam (thành phố Huế) gồm các chức năng trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ du lịch. Khu vực đô thị trung tâm hiện hữu, tập trung cải tạo chỉnh trang nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng các nhu cầu phát triển. Khu vực bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc có giá trị và cảnh quan sông Hương, sông An Cựu, sông Như Ý.

Mục tiêu, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát triển đô thị, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan hiện đại; gắn liền với các giá trị cảnh quan đặc trưng khu vực; nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất, góp phần triển khai Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống công trình công cộng, các văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Làm cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Xây dựng phát triển khu vực trung tâm phía Nam thành phố Huế theo hướng hình thành không gian đô thị có điểm nhấn về tầng cao, hiện đại. Đồng thời, tuân thủ định hướng bảo vệ cảnh quan không gian trục Kỳ Đài - Ngọ Môn, trục Kỳ Đài - Đàn Nam Giao. Khai thác phát huy tiềm năng văn hóa, y tế, giáo dục, dịch vụ gắn với không gian mặt nước các sông, tạo nên cảnh quan, không gian sống giá trị, đặc trưng riêng cho đô thị.

Tăng cường, hoàn thiện các kết nối về giao thông đô thị, giao thông công cộng, hạ tầng đô thị thiết yếu và đảm bảo kết nối các chức năng đô thị, tạo liên kết vùng. Phát triển chỉnh trang các khu vực chức năng trong đô thị kết hợp thực hiện chỉnh trang các khu vực dân cư hiện trạng, nâng cao chất lượng sống gắn với không gian cảnh quan đặc trưng.

Phân khu chức năng, trên cơ sở cấu trúc đô thị, tiềm năng phát triển của từng khu vực. Cụ thể, khu A, có diện tích khoảng 105,5ha, nằm về phía Tây khu vực lập quy hoạch, giới hạn bởi sông Hương, sông An Cựu và đường Hà Nội, Hai Bà Trưng. Bao gồm các chức năng trung tâm hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa – nghệ thuật. Khu vực bảo vệ và phát huy cảnh quan sông Hương và sông An Cựu, đồng thời chỉnh trang, nâng cấp các khu vực dân cư đô thị.

Khu B, có diện tích khoảng 106,3ha, nằm tại trung tâm khu vực hoạch, giới hạn bởi các trục đường Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng. Khu vực đô thị hiện hữu, tập trung phát triển các chức năng Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng cấp đô thị, văn hóa - thể thao theo hướng hiện đại, xen kẽ là các khu vực dân cư chỉnh trang. Khu vực tập trung điểm nhấn cao tầng gắn với khu vực ngã 6 Hùng Vương.

Khu C, có diện tích khoảng 80,2ha, nằm về phía Đông Bắc khu vực lập quy hoạch, giới hạn bởi sông Hương, sông Như Ý và các trục đường Hà Nội, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu. Khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với tuyến phố đi bộ đồng thời bảo cảnh quan dọc sông Hương, sông Như Ý.

Khu D, có diện tích khoảng 84ha, nằm về phía Nam khu vực lập quy hoạch, giới hạn bởi các trục đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Phan Bội Châu. Khu vực dân cư chỉnh trang dọc theo tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu, gắn với bảo vệ và phát huy giá trị cảnh quan sông An Cựu, có các điểm nhấn về công trình tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa và địa hình đặc trưng.

Các khu vực điểm nhấn đô thị, khu vực ngã 6 (nút giao đường Hùng Vương – đường Đống Đa – đường Lê Quý Đôn) chiều cao tối đa 36 tầng; khu vực nút giao đường Lý Thường Kiệt – đường Đống Đa và đường Hùng Vương – đường Bà Triệu chiều cao tối đa 17 tầng; khu vực nút giao đường Lê Quý Đôn – đường Bà Triệu chiều cao tối đa 16 tầng; khu vực nút giao đường Đội Cung – đường Trần Cao Vân chiều cao tối đa 21 tầng; khu vực khách sạn dọc sông Hương (đường Lê Lợi) từ đường Đội Cung đến Đập Đá chiều cao tối đa 12 tầng.

Kiến trúc cảnh quan, công trình nhà ở dọc các tuyến phố chính như Bà Triệu, Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Trần Phú... khuyến khích kết hợp khai thác dịch vụ thương mại, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhà ở trong lõi các ô phố hiện hữu được kiểm soát mật độ xây dựng, chiều cao để giảm áp lực hạ tầng đô thị, đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Khu dân cư, nhà ở khu vực ven sông Như Ý khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch, gắn liền với các mô hình kinh doanh như nhà hàng, cà phê, homestay. Khu vực ven sông An Cựu chỉnh trang dân cư gắn liền với các công trình di tích, tôn giáo, tín ngưỡng và các công trình mang giá trị nghệ thuật.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư các khu vực trung tâm hành chính, công cộng, dịch vụ thương mại... Ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông chính kết nối Khu đô thị mới An Vân Dương (đường Bà Triệu, đường Tố Hữu, đường Tôn Đức Thắng), mở rộng đường Trần Phú, cầu vượt đường sắt đường Trần Phú, cầu vượt Ngã 6 - Hùng Vương, đầu tư xây dựng các công trình đầu mối quan trọng (bến xe, bến xe bus, bãi đỗ xe, trạm xử lý nước thải, trạm bơm...).

Đầu tư chỉnh trang hệ thống cây xanh cảnh quan, mặt nước tại các khu vực trung tâm và ưu tiên đầu tư hình thành hệ thống quảng trường công cộng khu vực sông Hương đường Lê Lợi và hai bên các dòng sông Như Ý, An Cựu.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt, giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Huế và các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng công trình theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh và các quy định pháp luật hiện hành. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn khu trung tâm phía Nam phải đảm bảo tuân thủ quy hoạch này và quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch.

Nghiêm cấm việc thay đổi đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Các nội dung điều chỉnh, thay đổi so với quy hoạch đã được phê duyệt phải được thành phố Huế tổng hợp, trình Sở Xây dựng rà soát thẩm định trước khi báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét, giải quyết.

Trí Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thua-thien-hue-quy-hoach-khu-trung-tam-phia-nam-thanh-pho-hue-rong-388ha-391411.html