Thừa Thiên Huế sở hữu 'kho báu' thiên nhiên để phát triển du lịch xanh

Thừa Thiên Huế có hệ thống cảnh quan thiên nhiên sông, biển, núi, rừng rất kỳ thú và hấp dẫn, có truyền thống văn hóa lâu đời, có Cố đô Huế là nơi gìn giữ một 'gia tài' văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam và toàn nhân loại. Đây là nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh.

Rừng ngập mặn Rú Chá mùa thay lá – điểm ưu thích của du khách khi đến Huế – Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Rừng ngập mặn Rú Chá mùa thay lá – điểm ưu thích của du khách khi đến Huế – Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Thiên nhiên ưu đãi cho Thừa Thiên Huế hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cùng một hệ thống sông ngòi, kênh rạch trải dài toàn tỉnh như sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Truồi… có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch biển, du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh với mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan tự nhiên, môi trường sống.

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh. Vườn Quốc gia Bạch Mã được quan tâm cho xây dựng quy hoạch rất kỹ để kêu gọi đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng dịch vụ, hoạt động du lịch tôn trọng tính đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường.

Ngành du lịch và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hình thành và phát triển nhiều sản phẩm, tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng

Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng như: Nhà vườn Lương Quán – Nguyệt Biều tại thành phố Huế, khu vực cầu Ngói Thanh Toàn tại thị xã Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang…

Các tour du lịch gắn với bảo tồn sinh thái, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng như: Tour “Hoàng hôn phá Tam Giang”; tour “Thăm Làng cổ Phước Tích – Đan lát Thủy Lập – Thôn Ngư Mỹ Thạnh – Phá Tam Giang”; tour “Đạp xe về Phá Tam Giang”; tour “Thăm làng Phước Tích – Phá Tam Giang”; tour “Từ đồng rau xanh đến ánh vàng đầm phá” và tour “Khám phá Tam Giang”…

Các tour du lịch này không chỉ phù hợp với du khách, các đoàn đi theo dạng Teambuilding, mà còn thích hợp với hoạt động dã ngoại cuối tuần của người dân địa phương.

Ngoài ra, để thu hút du khách trong thời gian khó khăn vừa qua, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch xanh như: Nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm như tuyến phố đi bộ Hoàng Thành; các trạm xe đạp chia sẻ thông minh trên địa bàn thành phố Huế…

Đến Huế, du khách có thể tham gia tour ngắm hoàng hôn và trải nghiệm phá Tam Giang – đầm phá lớn nhất Đông Nam Á – Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Đến Huế, du khách có thể tham gia tour ngắm hoàng hôn và trải nghiệm phá Tam Giang – đầm phá lớn nhất Đông Nam Á – Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, Huế có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh. Ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài, của hệ thống di sản văn hóa đồ sộ còn có cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị, người dân không phải lo lắng nhiều bởi tiêu chuẩn không khí luôn được đảm bảo.

“Định hướng phát triển du lịch xanh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế được xác định bám sát với mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định phát triển du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay.

Để thực hiện mục tiêu trên, Giám đốc Sở Du lịch cho biết sẽ nghiên cứu khai thác hiệu quả tài nguyên, xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao,… các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Ứng dụng những thành tựu công nghệ số vào việc quản lý phát triển du lịch xanh.

Sở Du lịch cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/thua-thien-hue-so-huu-kho-bau-thien-nhien-de-phat-trien-du-lich-xanh-102231109182411236.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-lich/623141-thua-thien-hue-so-huu-kho-bau-thien-nhien-de-phat-trien-du-lich-xanh.html