Thừa Thiên Huế: Tăng cường kiểm soát tội phạm đa dạng sinh học
Trong vòng 9 tháng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu được 4.690 bẫy động vật rừng và 242 cá thể động vật rừng.
Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều giải pháp về bảo vệ động vật hoang dã, phòng ngừa tội phạm đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn xuất hiện tình trạng mua bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.
Cuối tháng 10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm thành phố Huế đã bắt quả tang bà P.T.B (trú tại phường Hương Sơn, thành phố Huế) về hành vi mua bán lâm sản trái pháp luật. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại gia đình bà B. có 26 cá thể Cò có tổng trọng lượng 11kg, thuộc loại động vật thông thường với tình trạng đã chết, có mùi hôi. Bà B. không trình được giấy tờ nguồn gốc sản phẩm. Ngay sau đó, Hạt Kiểm lâm Thành phố Huế đã xử phạt 1,1 triệu đồng và tiêu hủy số lượng thịt cò.
Ngoài xử lý các tình trạng mua bán động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiếp nhận nhiều động vật hoang dã được người dân tự nguyện giao nộp. Ví dụ, trường hợp ngày 26/10, bà Lê Thị Bích Thủy (trú tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy) tự nguyện giao nộp 01 cá thể rùa hộp trán vàng miền Trung tại Hạt kiểm lâm thị xã Hương Thủy. Rùa hộp trán vàng có tên khoa học là Cuora galbinifrons thuộc danh sách 50 loài nguy cấp nhất thế giới. Loài rùa quý hiếm sinh sống tại các vùng rừng ẩm ướt của cả ba miền nước ta.
Trước đó, ông Nguyễn Đình Thành (phường Xuân Phú, thành phố Huế) cũng tới Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thành phố Huế giao nộp cá thể kỳ đà vân. Ông Thành phát hiện tại sân vườn nhà mình và mong muốn thả chúng về tự nhiên.
Cũng trong tháng 7/2023, hai học sinh trú tại phường Thủy Biều, thành phố Huế cũng giao nộp cá thể Kỳ đà vân cho Hạt Kiểm lâm thành phố Huế. Kỳ đà vân (Varanus nebulosus) là loài động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IB. Đây là loài động vật quý hiếm đang được pháp luật bảo vệ và nghiêm cấm khai thác, sử dụng, mua bán, tiêu thụ dưới mọi hình thức. Sau khi tiếp nhận, các đơn vị sẽ đưa phương án thả cá thể về môi trường tự nhiên theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa nạn săn bắt động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm trực thuộc tăng cường tuyên truyền tới cộng đồng dân cư về giá trị của bảo tồn sinh học, các quy định của nhà nước về tội phạm đa dạng sinh học. Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác động vật trái phép. Tháo gỡ, tiêu hủy hàng chục ngàn các loại bẫy bắt chim cò vào mua chim di cư, săn bẫy động vật trong các vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Trong 11 tháng năm 2023, thu giữ 4.690 bẫy động vật rừng.
Từ đầu năm 2023 tới nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu giữ 242 cá thể động vật rừng (trong đó 28 cá thể loài nguy cấp, quý, hiếm và 214 cá thể loài thông thường), thu nộp ngân sách hơn 560 triệu đồng.
Ngoài ra, 9 tháng đầu năm nay, Kiểm lâm tỉnh đã tiếp nhận và cứu hộ thành công 65 cá thể động vật hoang dã bao gồm 35 cá thể rùa các loại; 14 cá thể Khỉ các loại; 02 cá thể Tê tê, 02 cá thể Culi nhỏ, 03 cá thể Kỳ đà vân và nhiều loài động vật khác.
Để cộng đồng có thông tin về động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin về động vật hoang dã và tuyên truyền vận động người dân chủ động thông tin khi có nghi ngờ mua bán và nuôi nhốt động vật hoang dã. Đồng thời, đường dây nóng cũng là nơi tiếp nhận, giao nộp động vật hoang dã tự nguyện. Người dân không nên tự ý thả động vật hoang dã ra môi trường.
Đối với các cơ sở gây nuôi động vật, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành cấp 12 mã số trại nuôi với tổng số 59 cá thể động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm nhóm IIB.
Hoàng Hồng