Thừa Thiên Huế tập trung ứng phó trước diễn biến phức tạp của mưa lũ

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát công điện hỏa tốc chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung ứng phó mưa lũ, học sinh toàn tỉnh được nghỉ học.

Sáng ngày 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký công điện hỏa tốc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ phức tạp.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đêm 13/10/2022 đến ngày 15/10/2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện một đợt mưa to, mưa rất to và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh.

Hồ Tả Trạch tiến hành điều tiết nước về hạ du để chủ động đón lũ, đảm bảo an toàn hồ đập

Hồ Tả Trạch tiến hành điều tiết nước về hạ du để chủ động đón lũ, đảm bảo an toàn hồ đập

Tổng lượng mưa cả đợt từ 150-300mm, có nơi trên 500mm. Mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày và đêm 14/10/2022. Mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ ống, lũ quét ven các sông suối; sạt lở, trượt lở đất ở vùng gò đồi miền núi và các công trình đang thi công; ngập úng vùng trũng thấp, các khu đô thị.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chủ động ứng phó với mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; rà soát, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng chống ngập úng đô thị.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người; đảm bảo an toàn cho các khu nuôi thủy sản, các lồng, bè trên sông, đầm phá và các ao, hồ nuôi thủy sản cao triều, hạ triều ven biển…

Chủ động đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển báo cảnh báo sạt lở, ngập sâu.

Sau mưa lũ tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra

Cũng trong sáng ngày 14/10, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế yêu cầu hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền tiếp tục điều tiết nước qua tràn với lưu lượng tăng dần từ 900 – 1.500m3/s.

Cụ thể, vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 900 - 1200m3/s. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 11giờ 30 ngày 14/10/2022.

Hồ thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết hồ chứa qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 1.100 – 1.500m3/s. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 13 giờ ngày 14/10/2022.

Ngoài ra, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh như hồ Tả Trạch, thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông) tiếp tục điều tiết nước qua tràn và tuabin để đảm bảo an toàn hồ đập.

Bên cạnh đó, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước các sông trên địa bàn đang lên mức báo động 2,3, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế thông báo cho học sinh, học viên toàn tỉnh nghỉ học ngày thứ Bảy (15/10). Đối với các vùng thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lỡ cao sẽ được nghỉ học từ chiều ngày thứ Sáu (14/10).

Sáng ngày 14/10, đường và nhà dân khu vực xã Quảng Thành bị nước lũ bao vây

Sáng ngày 14/10, đường và nhà dân khu vực xã Quảng Thành bị nước lũ bao vây

Cũng trong sáng ngày 14/10, một số địa phương vùng trũng như xã Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng An (huyện Quảng Điền) bị nước lũ chia cắt, tràn vào nhà dân. Tuyến tỉnh lộ 4 đi qua các xã ngập khá cao, giao thông chia cắt. Nhiều trường học cũng bị ngập nên học sinh được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Phó chủ tịch huyện Quảng Điền cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các lực lượng chức năng tại địa phương đã lên kế hoạch di tản dân tại những nơi thấp trũng, xung yếu trước khi nước lũ dâng cao.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết những ngày qua để phòng lũ khi có mưa lớn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo ba hồ thủy điện, thủy lợi lớn là hồ Tả Trạch, Hương Điền và Bình Điền buộc phải điều tiết nước lũ về hạ du với lưu lượng tăng dần và tùy lượng nước đến hồ để tăng lưu lượng điều tiết tránh đột biến, đảm bảo an toàn hồ đập.

“Mực nước sông Hương tại trạm Kim Long là 1,71 m, dưới báo động 2, sông Bồ tại trạm Phú Ốc 2 m đang ở báo động 2. Dự báo trong chiều tối nay (14/10), mực nước các sông có thể lên báo động 2, báo động 3 khi mưa lớn xảy ra”, Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-tap-trung-ung-pho-truoc-dien-bien-phuc-tap-cua-mua-lu-223282.html