THỪA THIÊN - HUẾ TIẾN LÊN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (*): Thực hiện tổng lực nhiều giải pháp
Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển kinh tế và tự chủ thu chi ngân sách từ năm 2025
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc xây dựng tỉnh này thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh như Nghị quyết 54-NQ/TW đề ra.
Phóng viên: Thưa ông, khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương thì Thừa Thiên - Huế có những cơ hội phát triển như thế nào?
- Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG: Thừa Thiên - Huế được biết đến là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố xanh quốc gia". Vì vậy, thách thức đặt ra cho tỉnh trong quá trình phát triển thành phố trực thuộc trung ương là phải làm sao để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương; giữ được các thương hiệu mà Thừa Thiên - Huế đã dày công xây dựng và định vị.
Để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên - Huế phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về phân loại đô thị và phân loại đơn vị hành chính theo quy định. Vì vậy, tỉnh phải làm sao để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng kinh tế, thiết chế văn hóa xã hội, đô thị... thuận lợi hơn, cũng như nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân địa phương.
Thừa Thiên - Huế có nhiều cơ hội khi được Bộ Chính trị định hướng xây dựng thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu, tầm nhìn như trên. Nhờ vậy, tỉnh sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các trung tâm du lịch văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ; thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế gắn liền với hoạt động dịch vụ, giúp người dân nhanh chóng nâng cao thu nhập.
Với vị thế của thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên - Huế thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, kinh tế... Từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện đời sống của người dân.
Thừa Thiên - Huế hiện vẫn là địa phương có nguồn thu ngân sách khá thấp, trung ương phải hỗ trợ. Tỉnh có những chiến lược nào để thu ngân sách nhiều hơn?
- Hiện nay, Thừa Thiên - Huế vẫn chưa thể tự cân đối ngân sách. Do đó, để cải thiện nguồn thu, tỉnh đề ra các giải pháp cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý; rà soát, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách…
Chúng tôi cũng tập trung triển khai hiệu quả các chính sách từ trung ương và địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm bồi dưỡng các nguồn thu bền vững cho ngân sách; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có khả năng tự chủ, tự cân đối ngân sách địa phương.
Sau khi được công nhận là thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên - Huế thuận lợi hơn trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp... Từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất - kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện đời sống của người dân, tăng thu ngân sách...
Thời gian qua, tỉnh đã mời gọi thành công nhiều tập đoàn tên tuổi đầu tư các dự án trọng điểm. Có thể kể đến Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Banyan Tree đã đầu tư các dự án lớn và đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có nhiều "sếu đầu đàn" khác như Công ty CP Đầu tư TDH Ecoland, Công ty CP Văn Phú - Invest, Tập đoàn BRG, Tập đoàn Aeon Mall… cũng đang nghiên cứu, triển khai các dự án lớn.
Chúng tôi cũng có biện pháp phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn, bao gồm khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Xem xét phát hành trái phiếu đô thị để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển, mở ra một kênh huy động vốn mới, phù hợp với các dự án hạ tầng đô thị và là phương thức huy động vốn có tiềm năng lớn, lâu dài.
Thừa Thiên - Huế còn có cơ chế thu hút và định hướng các nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhanh và tạo bước đột phá trong phát triển, nhất là các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
Đại học Huế sẽ thành Đại học Quốc gia
Với 9 trường thành viên, 3 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu, Đại học (ĐH) Huế luôn là cơ sở giáo dục ĐH uy tín, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước trong hơn 66 năm qua.
Căn cứ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau chuyến làm việc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vào hồi tháng 3 năm nay, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn đối với đề án "Xây dựng ĐH Huế thành ĐH Quốc gia" và đề án "Xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung", nhằm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương đang hỗ trợ ĐH Huế để sớm trở thành ĐH Quốc gia.
PGS-TS Lê Anh Phương, Giám đốc ĐH Huế, nhận định: Khi trở thành ĐH Quốc gia thì cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Huế sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế. Đây là vấn đề chiến lược của đất nước không chỉ đối với giáo dục và đào tạo mà còn là quốc sách để các tỉnh, thành miền Trung phát triển bền vững.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-8