Thừa Thiên Huế: Tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên
Ngày 14/11/2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thừa Thiên Huế và BIDV chi nhánh Phú Xuân tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Phạm Bá Nam – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự tham dự của Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan liên quan; Ban Giám đốc, cán bộ chủ chốt của 2 chi nhánh BIDV cùng hơn 100 doanh nghiệp khách hàng của hệ thống BIDV trên địa bàn.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến 31/10/2024, tổng dư nợ tín dung toàn địa bàn đạt gần 81.000 tỷ đồng, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tới 70% tổng dư nợ với quy mô gần 57.000 tỷ đồng. Tín dụng cho doanh nghiệp đạt gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 37% trong tổng trong tổng dư nợ. Nợ xấu toàn địa bàn tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu toàn địa bàn luôn ở mức dưới 2% trong tổng dư nợ. Từ đầu năm đến nay, thông qua chương trình đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các ngân hàng trên địa bàn đã giải ngân cho gần 1.200 doanh nghiệp với tổng dư nợ đạt trên 15.000 tỷ đồng và hơn 300 lượt kết nối theo nhiều hình thức khác nhau.
Đối với hệ thống BIDV trên địa bàn, đến 31/10/2024, tổng dư nợ đạt 13.204 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,3% trong tổng dư nợ toàn ngành trên địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp của hai chi nhánh đạt 6.956 tỷ đồng, chiếm 44,81% trong tổng dư nợ của hai chi nhánh. Hiện nay, BIDV đang triển khai rất nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giới thiệu một số chương trình, chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn; phát biểu của đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh về các đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn trong bối cảnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, trong đó tập trung vào các vấn đề: nhu cầu tín dụng, điều kiện và quy trình thủ tục cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo, các chương trình tín dụng ưu đãi,...
Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa đại diện các chi nhánh BIDV trên địa bàn và doanh nghiệp với tổng quy mô gần 250 tỷ đồng. Đặc biệt, đây là các hợp đồng tín dụng thương mại tài trợ dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, hợp đồng tín dụng xanh cho các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường theo định hướng tại Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Bá Nam - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế yêu cầu 2 chi nhánh BIDV trên địa bàn bám sát các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, Quyết định số 01 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng và các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các dự án nhà ở xã hội, các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh; Tiếp tục triển khai có hiệu quả, toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; Đề nghị các sở, ngành, hiệp hội/hội doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các ngân hàng trong triển khai, truyền thông các chính sách tín dụng, phối hợp chặt chẽ trong triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; Đề nghị các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, chiến lược phát triển, minh bạch thông tin để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Với sự thành công của các hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đặc biệt là hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp vừa được tổ chức, tin tưởng rằng trong những tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025, hệ thống BIDV trên địa bàn sẽ bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc kế hoạch hoạt động kinh doanh, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.