Thừa Thiên Huế tìm vật liệu thay thế cát sỏi lòng sông đã cạn kiệt

Trước tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cát tăng cao, tỉnh Thiên Huế đang tìm biện pháp bình ổn nguồn cung và tìm kiếm vật liệu mới thay thế.

Thời gian gần đây, giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tăng đột biến. Hiện, giá cát dao động từ 380.000 đến 400.000 đồng/m3, tăng gấp 2 đến 3 lần so với năm ngoái nhưng vẫn không đủ cầu. Nguyên nhân nguồn cung cát xây dựng thiếu hụt nghiêm trọng vì nhiều mỏ cát sỏi trên các sông bị đóng cửa.

Các bãi tập kết cát sỏi trái phép dọc hai bờ sông Hương.

Các bãi tập kết cát sỏi trái phép dọc hai bờ sông Hương.

Đại biểu Lưu Đức Hoàn, PhóTrưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND tỉnh, đặt câu hỏi: "Trong điều kiện nguồn cung khan hiếm cát như hiện nay đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường cho biết tình trạng khai thác các mỏ cát trái phép như thế nào và giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới".

Ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ năm 2018 đến nay, các sở, ngành địa phương đã thanh tra, giám sát, lập đoàn liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm cát sỏi lòng sông.

Qua kiểm tra, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 55 quyết định xử phạt, xử phạt 120 triệu đồng; đồng thời đề xuất UBND tỉnh xử phạt 4 tổ chức với số tiền hơn 4 tỷ đồng, tước 5 giấy phép hoạt động. Lực lượng Công an lập biên bản 652 trường hợp, xử phạt hơn 1 tỷ đồng…

Bãi tập kết cát sỏi trái phép trên sông Hương.

Bãi tập kết cát sỏi trái phép trên sông Hương.

Về giải pháp, ông Thông cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo thanh kiểm tra, ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản; mở rộng mô hình khai thác cát sỏi nội đồng, rà soát các nguyên vật liệu thay thế cát:

"Để hạn chế khai thác cát sỏi trên sông Hương, sông Bồ và trên địa bàn tỉnh nói chung, thực hiện các cuộc kiểm tra xử lý vi phạm. Qua kiểm tra đã xử lý rất nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm trong lĩnh vực cát sỏi lòng sông. Hiện tại, Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng đang hướng dẫn các tổ chức hoạt động khai thác xây dựng đá trên địa bàn tỉnh, kết hợp sản xuất cát xay trong quá trình sản xuất đá nhằm thay thế cho cát tự nhiên", ông Thông nói.

 Bắt quả tang thuyền hút cát sạn trên sông Bồ.

Bắt quả tang thuyền hút cát sạn trên sông Bồ.

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nguồn cát tại địa phương chủ yếu là cát sông, giá rẻ hơn so với trên thị trường, trong đó, có lượng cát khá lớn khai thác lậu. Từ khi UBND tỉnh tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động khai thác cát trái phép thì cát xây dựng trở nên khan hiếm, giá tăng cao. Ông Phan Thiên Định cho biết, năm 2020, sẽ chấm dứt khai thác cát trên sông, sử dụng cát nhân tạo làm nguồn chính. Trước mắt, vận động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập cát từ các địa phương khác.

"Giải pháp của tỉnh là đến năm 2020 cơ bản chấm dứt việc khai thác cát trên sông chỉ còn một số vùng có thể khai thác theo hướng hình thành nên những mô hình khai thác cộng đồng dưới sự quản lý nhà nước. Chứ không cho phép các doanh nghiệp sử dụng các tàu hút lớn trên sông. Nguồn cát bổ sung là phải sử dụng nguồn cát nhân tạo từ xay chế biến đá để làm nguồn cát chính cho hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh", ông Định nói./.

Lê Hiếu- Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-tim-vat-lieu-thay-the-cat-soi-long-song-da-can-kiet-932220.vov