Thừa Thiên Huế và Thái Nguyên vươn lên đứng nhất, nhì cả nước về quản trị công
Tỉnh Thừa Thiên Huế từ vị trí thứ 5 đã vươn lên dẫn đầu cả nước; Thái Nguyên cũng có bước nhảy vượt trội từ nhóm trung bình cao lên ngôi 'á quân' trong bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2023.
Ngày 2/4, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.
Nhiều địa phương đã thực hiện tốt hơn công tác chính quyền điện tử
Kết quả khảo sát cho thấy, tỉnh Thừa Thiên Huế từ vị trí thứ 5 (45.3845 điểm) vào năm 2022 đã vươn lên dẫn vị trí đầu bảng xếp hạng PAPI 2023 với tổng số điểm trên 46,0415 điểm.
Kế đến, tỉnh Thái Nguyên cũng có bước nhảy vượt trội từ nhóm trung bình cao của cả nước vào năm ngoái (43,01 điểm) lên vị trí “á quân” với 45,7875 điểm.
Còn Bắc Ninh được người dân chấm 45,7047 điểm, đứng vị trí thứ 3.
Ở chiều ngược lại, Đắk Nông, Tây Ninh, Tiền Giang là 3 tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, chất lượng quản trị và hành chính công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các tỉnh, thành phố phía Nam.
Trong số 15 tỉnh, thành thuộc nhóm ‘cao’ có 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 4 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘thấp’ có 7 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.
Khoảng cách hiệu quả quản trị và hành chính công giữa các tỉnh, thành phố có xu hướng thu hẹp. Mức chênh lệch điểm Chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và điểm cao nhất (46,04 điểm) là khoảng 7,07 điểm, nhỏ hơn khoảng cách này của Chỉ số PAPI 2021.
Đáng chú ý là ở điểm số về “quản trị điện tử” cho thấy nhiều địa phương đã thực hiện tốt hơn công tác chính quyền điện tử trong năm 2023. Điểm cao nhất, trung vị và thấp nhất ở nội dung này đều tăng lên so với kết quả năm 2021.
Theo đúc kết của nhóm nghiên cứu, trong số 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘cao’, có 5 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 3 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Trong số này cũng có 3 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM, tương tự kết quả năm 2021 và 2022.
Trong khi đó, 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm ‘thấp’ tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (7 trong số 11 tỉnh, thành phố) và vùng Tây Nguyên (3 trong số 5 tỉnh).
"Chung chi" để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến
Về chỉ số về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, nhóm nghiên cứu cho biết, điểm số của tất cả các tỉnh/thành phố dao động từ 5,86 đến 8,15 trên thang đo từ 1-10 điểm.
Khác với kết quả những năm trước, kết quả năm 2023 cho thấy, 5 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và 5 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, 4 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (trừ tỉnh Đắk Lắk thuộc nhóm trung bình – thấp) và 4 trong 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng lọt vào nhóm đạt điểm thấp nhất.
Đi vào nội dung thành phần, nhóm nghiên cứu cho biết, điểm số về "công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công" vẫn đạt mức điểm thấp nhất trong 4 nội dung thành phần, với điểm số của các tỉnh, thành dao động từ 0,95-1,71 điểm trên thang đo từ 0,25- 2,5 điểm.
Theo đánh giá của người dân, tương tự kết quả của những năm trước, hiện trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành không kể tỉnh giàu hay tỉnh nghèo.
Chẳng hạn, 3 tỉnh đạt điểm thấp nhất là Bình Phước và Đắk Nông (hai địa phương còn nghèo) và Hải Phòng (địa phương có điều kiện kinh tế).
Bên cạnh đó, mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường) ở tất cả các tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở hai tỉnh Gia Lai và Hà Nam.
Ngoài ra, người dân cũng đánh giá việc phải đưa "lót tay" khi làm thủ tục cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vẫn còn là một tập quán phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi GCNQSDĐ đã phải chi "lót tay" dao động từ 19% đến 81% ở 61 tỉnh, thành phố, trong đó Tây Ninh là địa phương có tỉ lệ thấp nhất và Lâm Đồng là địa phương có tỉ lệ cao nhất năm 2023.
Việc phải đưa "lót tay" để được chăm sóc y tế tốt hơn cũng vẫn còn phổ biến ở các tỉnh, thành phố.
Chỉ số PAPI 2023 thể hiện cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của 19.536 người dân trên khắp Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền.
Chỉ số PAPI là thước đo định lượng thường niên về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn quốc trong 8 lĩnh vực: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.