Thừa Thiên Huế xây dựng đặc trưng văn hóa để phát triển kinh tế

Ngày 13/11, Đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế.

Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: Tỉnh quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là việc làm thường xuyên của địa phương trong thời gian qua. Mục tiêu lớn nhất là để đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các nguồn đầu tư về văn hóa, di tích theo cơ chế của Quốc hội đã thông qua. Hiện tỉnh đang giải phóng vành đai Kinh thành Huế. Mong muốn Trung ương, hỗ trợ thêm kinh phí cho dự án giải phóng mặt bằng kinh thành Huế; với chương trình mục tiêu quốc gia mới cần có thêm danh mục duy tu, bảo tồn hệ thống Kinh thành Huế; xây dựng một bảo tàng mới tại khu vực nội thành.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của đoàn công tác ủng hộ và hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích... Đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, bảo tồn, quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân di dời, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế.

 Đại nội Huế.

Đại nội Huế.

Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác bảo tồn đã làm tốt tuy nhiên phát huy các giá trị của di tích, di sản vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Kết luận sau buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh những thành tựu của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được khi xác định, phát triển kinh tế gắn với văn hóa. “Càng nghiên cứu sâu, cá nhân tôi cũng đoàn công tác càng tự hào về vùng đất Thừa Thiên Huế. Mong rằng, Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển hơn nữa về văn hóa. Với những thế mạnh hiện có, vùng đất nhiều di sản, dày đặc các điểm di tích Thừa Thiên Huế có thể tự tin xây dựng đặc trưng văn hóa của riêng mình” Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

 Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu chỉ đạo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu chỉ đạo.

Đánh giá về công tác bảo tồn, giữ gìn phát huy các di tích, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện rất tốt. Công tác bảo tồn làm kiên định, kiên trì và bền bỉ, được quốc tế đánh giá cao. Kỳ vọng, công tác này ổn định và phát triển bền vững.

Để thực hiện hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thông tin tuyên truyền quảng bá những giá trị lịch sử của di tích, việc bảo tồn các di tích lịch sử và nhất là việc ứng xử của người dân với lịch sử, rà soát các nội dung cần tập trung lãnh đạo quản lý đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phục hồi văn hóa, công tác kiểm tra giám sát phải tiếp tục thực hiện một cách thường xuyên, liên tục tâm huyết vì văn hóa Huế, kiên quyết chống các biểu hiện, các hành vi xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch. Phải bản lĩnh vững vàng, có tư duy nghiên cứu khoa học, phải thống nhất với cách nhìn cách khách quan đa dạng, phong phú. Công tác quy hoạch phải hài hòa, chặt chẽ với giữa phát triển kinh tế và văn hóa, lấy văn hóa là điểm sáng để phát triển. Tập trung vào công tác ứng dụng khoa học di sản, phát huy giá trị trong không gian số.

Cái Văn Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thua-thien-hue-xay-dung-dac-trung-van-hoa-de-phat-trien-kinh-te-post272275.html