Thừa - thiếu biên chế giáo viên, khắc phục cách nào?
Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh, thành cơ cấu lại, sắp xếp hợp lý đội ngũ để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên tại một địa phương.
Gửi kiến nghị tới Bộ Nội vụ, nhiều địa phương, như tỉnh Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bắc Kạn… đề nghị bổ sung biên chế giáo viên năm học 2024 – 2025.
Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2026, để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” và khắc phục trước mắt tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Nội vụ đã tham mưu, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương.
Bộ Nội vụ dẫn chứng, tỉnh Thái Nguyên được bổ sung 1.157 biên chế cho năm học 2022 - 2023, sang năm học 2023 - 2024 được bổ sung 1.092 biên chế, còn năm học 2024 – 2025, tỉnh được bổ sung 428 biên chế.
Trong khi đó, năm học 2022 – 2023, tỉnh Bắc Kạn được bổ sung 16 biên chế, năm học 2023 - 2024 được bổ sung 24 biên chế.
Theo Bộ Nội vụ, trên cơ sở quy mô số học sinh đối với từng cấp học, từng vùng, đối chiếu quy định về định mức biên chế giáo viên của Bộ GD&ĐT, thì năm học 2024 – 2025, tỉnh Bắc Kạn thừa 623 biên chế giáo viên so với định mức quy định.
Tự chủ ở những nơi có điều kiện
Nhiều địa phương đề nghị không áp dụng chính sách tinh giản biên chế theo hướng "cào bằng", trong đó có biên chế ngành giáo dục.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ nêu rõ, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm giai đoạn 2022 - 2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Riêng biên chế sự nghiệp giáo dục, theo Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2015 - 2021, các địa phương đã chủ động phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu biên chế. Qua tổng hợp cho thấy, giai đoạn 2015 - 2021, biên chế sự nghiệp giáo dục hưởng lương từ ngân sách nhà nước của địa phương giảm 5,5% so với năm 2015 (thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước).
Bộ Nội vụ khẳng định, việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế giáo viên kể trên là giải pháp quan trọng để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành giáo dục.
Để đáp ứng nhu cầu giáo viên trong điều kiện học sinh ngày càng tăng, Bộ Nội vụ lưu ý các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, địa phương cần rà soát, sắp xếp lại cơ cấu trường, lớp, bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo quy định, phù hợp với thực tế của từng vùng, địa bàn.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần cơ cấu lại, sắp xếp hợp lý đội ngũ để giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên trong một địa phương; thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên; Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng lưu ý, cần đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập ở những vùng, khu vực, lĩnh vực "có điều kiện".
Có nên giao quyền chủ động biên chế?
Dự án Luật Nhà giáo vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, có đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng và sử dụng biên chế nhà giáo.
Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến về dự án luật. Ủng hộ đề xuất này, ông Thái Văn Thành (đại biểu đoàn Nghệ An) cho rằng, ngành giáo dục khi được chủ trì tuyển dụng, quản lý biên chế sẽ chủ động luân chuyển, đáp ứng yêu cầu và hạn chế được tình trạng thừa - thiếu cục bộ.
“Việc chủ động được biên chế sẽ giúp thuận lợi trong việc thực hiện tiêu chuẩn nghề nghiệp và chuẩn nhà giáo, tạo ra hàng lang pháp lý để nâng cao chất lượng nhà giáo”, đại biểu cho hay.
Tương tự, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng cho rằng, nếu không quy định lại việc phân cấp tuyển dụng, sử dụng và bố trí đội ngũ cán bộ sẽ không giải quyết được tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay.
“Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng giáo viên phải là trục xuyên suốt, như vậy mới phát huy được năng lực của giáo viên”, nữ đại biểu cho hay.