THỪA TIỀN, THIẾU VIỆC

Đó là vấn đề xã hội khá nan giải và nhức nhối ở một số làng quê hiện nay, nhất là những nơi đang trong quá trình đô thị hóa.

Cuối tuần qua, trở lại địa phương nơi đơn vị đóng quân trước đây, tôi thực sự choáng ngợp bởi những ngôi nhà cao tầng nguy nga thay cho những ngôi nhà lợp rạ trước kia. Đường làng được trải bê tông phẳng lỳ, thay cho con đường ngày xưa lát gạch. Điều ngạc nhiên nhất là việc xuất hiện rất nhiều quán nhậu hai bên đường. Quán nào cũng đông đúc và ồn ào, trái hẳn với khung cảnh làng quê yên bình của hơn 20 năm trước.

Ông bạn cùng đơn vị tôi trước kia nay là con rể của làng đang đảm đương chức Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn phàn nàn: Cuộc sống dân làng bị đảo lộn kể từ khi dự án xây dựng khu công nghiệp lấy gần hết đất vườn, đất ruộng. Hầu hết các gia đình trong làng nhận được tiền đền bù, sau một đêm trở thành người giàu. Nhiều người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” bỗng dưng có trong tay cả đống tiền, chẳng biết làm gì, ngoài xây nhà, tậu xe và... ăn nhậu. Có tiền nhưng lại không có việc làm, “nhàn cư vi bất thiện”, có người sa vào cờ bạc, số đề, có người suốt ngày say rượu, say bia, nguy hiểm hơn là đã có không ít thanh, thiếu niên bị “dính” vào ma túy... Nhiều gia đình sau thời gian ngắn là tỷ phú đã phải bán nhà, bán xe... Dịch Covid-19 bùng phát lại bổ sung thêm đội ngũ người không có việc làm từ thành phố về quê, tình trạng thiếu việc làm lại thêm trầm trọng... Rất nhiều hệ lụy từ việc “thừa tiền, thiếu việc” đã xảy ra ở đây.

 Ảnh minh họa/Nguồn: nguoilambao.vn.

Ảnh minh họa/Nguồn: nguoilambao.vn.

Theo quy luật khách quan, muốn đất nước phát triển thì phải công nghiệp hóa. Việc thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, xây dựng các công trình cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế... là điều tất yếu trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Chúng ta đã có khá nhiều chính sách hỗ trợ, đền bù đối với diện tích đất nông nghiệp được thu hồi, trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển nghề. Thế nhưng theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì trong số 100 lao động bị thu hồi đất, chỉ có 19 người dùng tiền đền bù để đi học nghề và trong số lao động học nghề thì chỉ có khoảng 45% tìm được việc làm, còn lại là vẫn ở tình trạng thất nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ học vấn của nông dân thấp, ngoài kinh nghiệm về việc đồng áng họ không có các kiến thức, hiểu biết về xã hội và các ngành nghề khác. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng của Nhà nước phải đặc biệt quan tâm để sửa đổi chính sách cho phù hợp với nhu cầu thực tế, để bảo đảm cuộc sống cho người lao động và giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn.

Để tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, các trung tâm đào tạo nghề cần tích cực liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm hiểu nhu cầu nhân sự của họ; từ đó có định hướng về nghề nghiệp cho người lao động khi tham gia đào tạo.

Hướng giải quyết tình trạng “thừa tiền, thiếu việc” cơ bản và bền vững nhất ở nông thôn đang được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả là sử dụng số tiền này để góp vốn thành lập doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho từng gia đình và cho các lao động khác trong cộng đồng. Ông bạn cùng đơn vị tôi cũng đã thành lập được một cơ sở sản xuất nấm, giải quyết việc làm cho hơn chục lao động với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo ông bạn này thì muốn khởi nghiệp thành công, phải cần tới các “bà đỡ” là các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngân hàng và các cơ quan công quyền thực sự vì dân.

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/thua-tien-thieu-viec-635651