Thuận lòng 'ghép đôi' thôn, xã

Cách đây tầm 3 năm, khi có chủ trương sáp nhập thôn, xã, một số người dân hai xã A Túc, A Xing, huyện Hướng Hóa cho rằng, đây là việc khó, thậm chí không thể làm được. Nhờ nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ người dân, việc 'ghép đôi' những vùng đất, miền quê đã sớm hoàn thành, mang lại nhiều tín hiệu vui.

 Cán bộ xã Lìa đến tận nhà thăm hỏi, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: T.L

Cán bộ xã Lìa đến tận nhà thăm hỏi, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: T.L

Đến giờ, cán bộ xã Lìa vẫn nhớ như in những ngày đầu nắm chủ trương, nghị quyết của cấp trên về sáp nhập thôn, xã. Bấy giờ, lòng dân vẫn chưa thuận. Lâu nay, người Vân Kiều, Pa Kô ở xã A Túc và A Xing xem trọng nguồn cội. Vì thế, họ lo ngại việc sáp nhập thôn, xã sẽ làm mất đi những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, truyền thống địa phương. Một điều khiến bà con quan ngại khác là tên làng, tên xã vốn gắn bó bao đời sẽ mất đi sau sáp nhập. Người dân còn lo lắng bởi có thể sẽ mất nhiều thời gian, công sức để làm lại các loại giấy tờ tùy thân hay gặp vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính sau ngày hai xã “về chung một nhà”. Những lý do trên đã tạo ra rào cản, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sáp nhập thôn, xã trên địa bàn.

Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác sáp nhập thôn, xã, cán bộ xã A Túc và A Xing xác định, điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp để người dân hiểu, đồng thuận, từ đó xua tan mọi nỗi lo lắng, băn khoăn. Sau nhiều cuộc họp, lãnh đạo hai xã xác định phải làm từ từ, tuần tự từng bước, không được chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Phương châm đặt ra là: “Khó ở đâu, gỡ tại đó”. Đặc biệt, lãnh đạo xã A Túc và A Xing xác định phải làm chắc ba bước đi. Bước 1, Đảng ủy xã tổ chức họp, triển khai sâu rộng trong cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát, xây dựng phương án, phối hợp với các đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức họp thôn lấy ý kiến toàn dân về chủ trương, nghị quyết của cấp trên. Ở bước 2, Đảng ủy xã tổ chức họp thành lập tổ làm công tác tuyên truyền, có sự góp mặt của các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy và các đoàn thể xã. Đảng ủy xã phân công mỗi đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách hai thôn, bản để tham gia triển khai lấy ý kiến Nhân dân. Bước 3, căn cứ vào kết quả tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sáp nhập thôn, xã của các tổ được phân công lấy ý kiến, Đảng ủy xã chỉ đạo HĐND phối hợp với UBND tổ chức kỳ họp bất thường, thông qua Nghị quyết của HĐND xã về thực hiện công tác sáp nhập thôn, xã theo đúng quy định.

Căn cứ kế hoạch đã lên, cán bộ xã A Túc và A Xing nhanh chóng vào cuộc. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đều đặn, rộng khắp trên địa bàn để giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc sáp nhập thôn, xã. Ông Hồ A Dược, bấy giờ là Bí thư Đảng ủy xã A Xing và ông Hồ Trung Lập, bấy giờ là Bí thư Đảng ủy xã A Túc trở thành trưởng đoàn, trực tiếp tổ chức các cuộc họp thôn để lấy ý kiến của người dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, nghị quyết về sáp nhập thôn. Điều đáng mừng là tỉ lệ đồng thuận ở các thôn sáp nhập đầu tiên là: A Cha với Tăng Quan II, Tăng Quan I với Kỳ Rỹ (xã A Xing), Kỳ Nơi với Ba Lin đều cao. Đó là động lực to lớn để các tổ công tác tiếp tục bắt tay hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi hoàn thành việc “ghép đôi” các thôn, cán bộ hai xã A Túc và A Xing tiếp tục thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến của người dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Những khó khăn, thử thách mới lại tiếp tục đặt ra, còn khó giải quyết hơn trước. Không chùn lòng, cán bộ hai xã A Túc, A Xing thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, đến từng thôn bản, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân. Các câu hỏi, thắc mắc của bà con được trả lời một cách thấu tình, đạt lý đã khiến lòng dân đồng thuận. Nêu cao gương sáng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn nhanh chóng vào cuộc cùng cán bộ xã. Bà Kăn Linh, người có uy tín ở thôn Tăng Cô Hang, xã Lìa chia sẻ: “Trước sự thay đổi nào đó, chuyện lòng dân trăn trở, lo lắng là khó tránh khỏi. Hiểu điều đó nên sau khi được tuyên truyền, vận động, tôi và những người uy tín khác góp sức cùng cán bộ xã giúp bà con nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc sáp nhập thôn, xã. Thật vui vì phần lớn bà con trên địa bàn đều đồng thuận”.

Bí thư Đảng ủy xã Lìa Hồ A Dược cho biết, công tác triển khai chủ trương sáp nhập thôn xã trên địa bàn trong thời gian qua đã gặt hái những kết quả đáng mừng. Việc triển khai, thực hiện sáp nhập thôn, xã đúng với chủ trương, nghị quyết của cấp trên, có sức lan tỏa lớn, tác động tích cực đến đời sống Nhân dân. Qua tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến Nhân dân, tỉ lệ người dân xã A Túc, A Xing (cũ) ủng hộ việc sáp nhập thôn, bản đạt trên 80%. Tỉ lệ người dân trên địa bàn ủng hộ sáp nhập xã đạt trên 85%. “Để có được kết quả ấy, bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, sự đồng lòng, đồng sức của người dân hai xã đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng chính là động lực to lớn để cán bộ xã nỗ lực nhiều hơn nữa để không phụ sự kỳ vọng của Nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Lìa Hồ A Dược khẳng định.

Sau khi sáp nhận đơn vị hành chính, xã Lìa đã được hình thành từ xã A Túc và A Xing. Toàn xã hiện có 10 thôn với 1.156 hộ. Trong tình hình mới, những khó khăn, thử thách mới lại tiếp tục được đặt ra với cán bộ, Nhân dân xã Lìa. Để tháo gỡ, giải quyết, lãnh đạo xã đã sớm xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất được xác định là phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn. Lãnh đạo xã Lìa hiểu sâu sắc rằng, đây chính là cái gốc để xã mới vừa được “ghép đôi” ngày càng khởi sắc.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149896