Thuận vợ, thuận chồng

Gần 30 năm gắn bó với biên cương Hà Giang thì có gần 20 năm, Thiếu tá QNCN Phạm Văn Vinh, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Bạch Đích, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang và vợ sống cảnh 'vợ chồng Ngâu'. Mặc dù không thường xuyên bên nhau, song nhờ tình yêu, sự đồng thuận và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ đã giúp họ luôn thắp lên ngọn lửa sưởi ấm hạnh phúc gia đình...

Đến xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, nhắc đến Thiếu tá QNCN Phạm Văn Vinh không ai không biết. Đã nhiều năm nay, mỗi khi ở xã có người dân ốm đau, hay nhà có công to việc lớn đều có sự xuất hiện của bộ đội Đồn Biên phòng Bạch Đích, trong đó có anh Vinh. Ông Lùng Sí Sán ở xã Bạch Đích chia sẻ: Các anh BĐBP tốt bụng lắm. Người dân ốm đau, chẳng kể sớm khuya, chỉ cần gọi điện thoại, nhất là cho bộ đội Vinh là yên tâm hẳn. Bộ đội Vinh khám cẩn thận, tư vấn nhiệt tình nên ai cũng ưng bụng lắm.

Chuyện là, ông Lùng Sí Sán tuổi đã cao, sức khỏe kém, lo nhất mỗi khi thời tiết trở lạnh. Những lúc như thế ông Sán hay bị tăng huyết áp, đau tức ngực, khó thở. Nhớ lại mùa đông cách đây mấy năm về trước, lúc đó thời tiết lạnh xuống thấp dưới 10 độ C, ông bị tức ngực, khó thở, huyết áp tăng cao. Vợ ông sợ quá, vội vàng gọi điện thoại kể triệu chứng bệnh của chồng cho bộ đội Vinh. Không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, đường sá đi lại khó khăn, anh Vinh đã báo cáo chỉ huy đơn vị, nhanh chóng đến nhà ông Sán.

Nhờ có sự can thiệp kịp thời của bộ đội Vinh, cơn nguy hiểm của ông Sán được đẩy lùi. Cả nhà ông Sán cứ cảm ơn Thiếu tá QNCN Phạm Văn Vinh mãi. Không riêng gia đình ông Sán mà bất cứ người dân nào ốm đau cũng đều được anh Vinh tận tình, hết lòng chăm sóc.

Ở Đồn Biên phòng Bạch Đích, anh Vinh còn được anh em đặt cho cái tên “thầy lang Vinh”. Nguyên do là bởi anh Vinh có niềm đam mê nghiên cứu các vị thuốc nam. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị hay người dân mắc bệnh đơn giản, thông thường, anh Vinh thường tư vấn và điều trị bằng các vị thuốc nam. “Miệng nói tay làm”, anh Vinh tự tay trồng, hái và phơi khô các vị thuốc nam để khi cần thiết là có sẵn dùng ngay. Lý giải cho tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, anh Vinh mỉm cười cho rằng, vợ và các con chính là động lực quan trọng để anh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chị Phạm Thị Thu Hương và hai con trò chuyện với chồng qua video call. (Ảnh chụp tháng 2-2023).

Chị Phạm Thị Thu Hương và hai con trò chuyện với chồng qua video call. (Ảnh chụp tháng 2-2023).

Chị Phạm Thị Thu Hương-vợ anh Vinh hiện là nhân viên y tế của Trạm Y tế thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Chuyện họ đến với nhau thật giản dị. Năm 2022, anh Vinh được đơn vị cử đi học ở Học viện Quân y hệ trung cấp. Lúc đó, Phạm Thị Thu Hương học Khoa dân sự K4 của Học viện. Trong một số sinh hoạt chung, họ biết nhau. Năm 2004, anh Vinh hoàn thiện khóa học, về Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (BĐBP tỉnh Hà Giang) công tác, cả hai vẫn giữ liên lạc với nhau. Theo thời gian, tình cảm của hai người cũng tăng dần. Đến năm 2006, cả hai quyết định báo cáo, xin phép đơn vị và gia đình được tổ chức đám cưới.

Sau ngày cưới, anh Vinh tiếp tục lên biên giới thực hiện nhiệm vụ, còn chị Hương xin về công tác tại quê chồng là huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc để tiện chăm sóc bố mẹ chồng. Tổ ấm của anh chị lần lượt chào đón thêm hai thành viên: Phạm Thành Công và Phạm Thành Đạt.

Niềm vui được chào đón sự xuất hiện của hai cậu con trai cũng đồng nghĩa với việc chị Hương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả. Do đặc thù công việc, chị thường phải trực đêm ở cơ quan. Vất vả nhất là khi cậu con trai Phạm Thành Đạt lên 4-5 tuổi, mỗi khi đến lịch trực, chị lại đưa con đến trạm y tế trực cùng, bởi để ở nhà cho cậu con lớn trông em, chị không yên tâm.

Quê ngoại ở xa, bố mẹ chồng lúc đó đều đã mất, chồng công tác biền biệt xa nhà... thế nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, chị Hương không nói về những vất vả của bản thân, mà tâm sự rằng: "Yêu và lấy anh ấy, trong suy nghĩ của tôi đã xác định sẽ phải là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Vì vậy, chuyện “đối nội, đối ngoại”, chăm sóc con thơ tôi luôn cố gắng chu toàn". Cùng làm ngành y nên anh chị thấu hiểu công việc của nhau. Mỗi khi có dịp gần nhau, cả hai lại động viên nhau cùng cố gắng khắc phục khó khăn, toàn tâm, toàn ý với công việc.

Gần 20 năm về chung một nhà, những khó khăn nhất là lúc con thơ cũng đã qua. Chị Hương bảo: "Hạnh phúc của tôi là được chứng kiến sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Sự ngoan ngoãn, nghe lời, học hành giỏi giang của các con là món quà tôi dành tặng anh ấy". Chẳng thế mà mỗi khi chồng gọi điện thoại về chia sẻ những vất vả của vợ, câu nói thường trực của chị Hương luôn là: “Anh cứ yên tâm công tác, ở nhà mẹ con em đều ổn cả”. “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, nhờ thế mà bao nhiêu năm xa cách nhưng anh chị vẫn giữ được hạnh phúc gia đình. Với anh chị, dù có xa cách nhau nhưng lúc nào cũng tràn đầy quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vun đắp gia đình ngày càng hạnh phúc.

Bài và ảnh: BÙI BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thuan-vo-thuan-chong-730031