Thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, nông dân chật vật
Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi giá tăng liên tục suốt 2 năm qua, khiến người chăn nuôi chật vật.
Nhập khẩu 7,42 tỷ USD sau 9 tháng
Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), sản lượng thịt dự kiến năm nay sẽ đạt hơn 7 triệu tấn. Trong đó, đàn lợn hiện có quy mô rất lớn, đạt 28,6 triệu con; đàn gia cầm 533,4 triệu con; đàn trâu 2,27 triệu con, bò 6,41 triệu con…
Với quy mô đó, toàn ngành chăn nuôi cần khoảng 33 triệu tấn thức ăn mỗi năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 13 triệu tấn, khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn, từ 20-22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021, Việt Nam phải nhập 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá gần 10 tỷ USD, chủ yếu là ngô, khô dầu đậu tương. Còn tính đến hết tháng 9 năm nay, kim ngạch nhập các mặt hàng này đạt gần 7,42 tỷ USD.
Do phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nên khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT gửi Quốc hội nêu rõ, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30-45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 30-35% so với tháng 12/2021.
Còn tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào. Tình trạng thức ăn chăn nuôi tăng giá phi mã khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất đều tăng, trong khi giá bán sản phẩm thì không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành, cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng.
Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững sáng 28/10, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm 65-70% chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, giá thức ăn tăng phi mã đã khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ do chi phí tăng lên, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội cũng thừa nhận, biến động về mặt giá, người chăn nuôi không tính được đầu vào, đầu ra nên bà con bị động, không tính toán được công việc.
Mở rộng vùng nguyên liệu, trồng ngô biến đổi gen
Theo ông Tống Xuân Chinh, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.
Song, chúng ta cần xác định khi đã hội nhập sâu thì chúng ta nên tập trung vào mặt hàng nào có cơ hội cạnh tranh cao. Ví dụ, nước ta có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất lúa nước nhưng không thể cạnh tranh trong sản xuất ngô công nghiệp. Ngô trồng ở Việt Nam, diện tích chỉ có 850.000ha, năng suất chưa bao giờ vượt quá 5 tấn/ha, trong khi ở Mỹ năng suất đạt 10-11 tấn/ha.
Để cải thiện vấn đề năng suất ngô, theo ông Chinh, cần có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển ngô chất lượng cao, ngô biến đổi gen cho năng suất vượt trội nhằm từng bước đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bộ NN-PTNT đang lấy góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, trong đó có nội dung về hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Một giải pháp quan trọng khác là sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương tự phối trộn để giảm giá thành. Nhưng phải kèm theo điều kiện như: sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ; tuân thủ kỹ thuật của cơ quan chức năng để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng; bảo quản thức ăn tốt và phải áp dụng ép viên để vật nuôi có thể việc hấp thụ thức ăn tốt hơn, ông Chinh nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, cần đẩy mạnh trồng các loại ngô sinh khối, ngô biến đổi gen; cần thúc đẩy chuỗi liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu để cơ giới hóa sản xuất, đẩy năng suất cây trồng lên cao.
Bộ NN-PTNT đang phối hợp với một số tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh Tây Nguyên theo mô hình hợp tác xã liên kết. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thuc-an-chan-nuoi-tang-phi-ma-nong-dan-chat-vat-2074792.html