Thức ăn đội giá, người chăn nuôi khó khăn

Ông Phúc phải giảm đàn vì giá thức ăn tăng, lợi nhuận từ nuôi gà giảm thấp. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

“Trước kia, trại heo gia đình tôi lúc nào cũng duy trì đàn nuôi từ 40-50 con/lứa, nhưng từ sau Tết đến nay chỉ còn nuôi 20 con/lứa. Nguyên nhân chính của việc giảm đàn heo là bởi giá thức ăn cho heo tăng liên tục từ cuối năm ngoái cho đến nay”. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Loan ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) về tình hình chăn nuôi của gia đình.

Nhiều tháng qua, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Cùng với nỗi lo về giá là việc quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ chăn nuôi chọn phương pháp giảm đàn, thay đổi khẩu phần ăn cho vật nuôi nhằm cắt giảm chi phí.

Giá tăng và sẽ tiếp tục tăng

Theo bà Phạm Thị Hiệp, chủ đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi Hiệp Ngân ở thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong 6 tháng qua. Hiện có loại đã tăng đến 50.000-55.000 đồng/bao (25kg). Đơn cử như thức ăn cho bò đang ở mức từ 220.000-600.000 đồng/bao (tùy loại); thức ăn cho gà, vịt 260.000-400.000 đồng/bao; thức ăn cho heo cũng đủ loại nhưng loại nào cũng tăng, giá dao động từ 195.000-550.000 đồng/bao...

Thông tin từ nhà cung cấp là do việc nhập nguyên liệu khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá sản phẩm bán ra cũng phải tăng theo. Nếu như trước Tết, đại lý của gia đình bà bán 200 tấn/tháng, thì nay chỉ còn dưới 170 tấn/tháng.

Còn theo tính toán của người nuôi heo, mỗi con heo thịt từ khi thả giống đến khi xuất chuồng (4 tháng) ăn hết 10 bao cám với chi phí khoảng 3,5 triệu đồng, cộng với tiền con giống 2-2,5 triệu đồng và các khoản thuốc thú y, điện, nước… thì tổng chi phí mỗi con heo khi xuất chuồng hơn 6 triệu đồng.

Trong khi đó, hiện nay heo hơi bán ra chỉ được 70.000-75.000 đồng/kg tùy thời điểm, bình quân mỗi con heo xuất chuồng có trọng lượng khoảng 85-90kg/con, tổng chi phí thu về được 6,3 triệu đồng/con. Tính ra sau 4 tháng chăm sóc, người chăn nuôi gần như không có lãi hoặc lãi rất ít, chưa đủ bù cho công chăm sóc.

Ông Trần Quang Châu ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa, cho biết: Hiện tôi chỉ nuôi khoảng 300 con gà để lấy trứng và bán con giống; còn các năm trước thì nuôi gấp ba số này. Trước đây, cám gà khoảng 230.000-250.000 đồng/bao (25kg), hiện nay đã 280.000-290.000 đồng/bao. Mười mấy năm làm nghề chăn nuôi, tôi nhận thấy đây là đợt tăng giá cao và kéo dài nhất. Nhiều tháng liền, giá cứ tăng mà chưa một lần giảm, gây không ít khó khăn cho người nuôi.

Trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục trong thời gian qua, người chăn nuôi cũng rất lo ngại việc tuồn thức ăn kém chất lượng ra thị trường. Ông Nguyễn Tứ, một hộ nuôi gà ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) phân vân: Lâu nay, bà con chúng tôi chỉ biết ra các cửa hàng ở địa phương mua thức ăn chăn nuôi. Họ đưa gì thì mình mua nấy chứ không biết cách để phân biệt hàng thật, hàng giả, chỉ biết tin tưởng vào người bán.

Về việc kiểm soát giá, chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Quốc Phong, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) cho biết: “Lâu nay, những cơ sở buôn bán mặt hàng thức ăn chăn nuôi tập trung nhiều ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều trang trại chăn nuôi… Với tình hình dịch bệnh, giá thức ăn tăng, lực lượng quản lý thị trường đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. Kết hợp với kiểm tra, chúng tôi cũng cho các cơ sở ký cam kết về việc bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện đầy đủ quy định, thủ tục liên quan”.

Tìm cách thích nghi

Để thích nghi với những khó khăn do giá thức ăn tăng cao như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn giảm đàn để chờ những tín hiệu mới từ thị trường. Ông Lê Văn Quốc ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho biết: Trước đây, trại heo gia đình tôi lúc nào cũng duy trì đàn trên dưới 30 con/lứa, nhưng bây giờ tôi chỉ còn nuôi 10 con/lứa. Nếu đúng thời điểm xuất chuồng mà giá heo tăng thêm chút đỉnh thì kiếm được vài triệu đồng, còn không coi như lỗ tiền công.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi ở huyện Phú Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) lại chọn cách đổi khẩu phần ăn cho heo. Theo bà Tâm, thay vì cho ăn cám ròng như lâu nay thì lúc này gia đình bà chuyển qua nấu cháo từ các loại chuối cây, rau muống và thức ăn thừa thu gom ở các hàng quán, nhà dân trong khu vực. Cách làm này đã giúp bà Tâm tiết kiệm khá nhiều chi phí mua cám. Tuy nhiên vì phải phụ thuộc vào lượng thức ăn thừa thu gom mỗi ngày nên gia đình bà không nuôi nhiều như lúc trước mà giảm đàn còn 10 con/lứa.

Tương tự, hiện nay nhiều người chăn nuôi gà cũng chọn cách giảm đàn để cầm cự. Ông Nguyễn Gian Phúc ở xã An Chấn cho biết: Thông thường mỗi lứa nuôi, trại tôi thường thả 1.500 con giống, nhưng vì nhiều tháng qua giá thức ăn tăng cao, giá các loại nông sản như lúa, bắp cũng tăng gấp đôi nên không thể thay đổi khẩu phần.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ gà lại chậm vì ảnh hưởng dịch COVID-19 nên phải chọn cách giảm đàn. Hy vọng thời gian tới, các ngành chức năng có biện pháp can thiệp, hỗ trợ người chăn nuôi để có thể duy trì được sản xuất trong thời gian tới.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để thích nghi với tình hình hiện tại, người chăn nuôi có thể cân nhắc chuyển đổi khẩu phần ăn, tự phối trộn thức ăn hoặc tận dụng thức ăn thừa để nấu cho gia súc... Tuy nhiên, bà con cần lưu lý trong quá trình phối trộn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại dinh dưỡng như đạm, bột, muối khoáng… Ngoài ra cần lưu ý đến việc phòng ngừa bệnh dịch đảm bảo an toàn đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại thêm về kinh tế.

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, các địa phương đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn nắm bắt tình hình, phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, kiểm soát giá, chất lượng sản phẩm. Các địa phương cũng khuyến cáo người dân lưu ý hạn sử dụng, so sánh giá bán với giá niêm yết của nhà cung cấp và thông tin với ngành chức năng, địa phương khi phát hiện có trường hợp tăng giá bất hợp lý để trục lợi...

TUYẾT HƯƠNG - VÕ PHÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254056/thuc-an-doi-gia-nguoi-chan-nuoi-kho-khan.html