Thức ăn đường phố - tiện nhưng không lợi

Thức ăn đường phố (TĂĐP) được nhiều người ưa chuộng vì tiện dụng, giá rẻ. Tuy nhiên, loại hình ăn uống này chỉ 'tiện' nhưng không có 'lợi' vì tiềm ảnh nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thức ăn đường phố tiện dụng, giá rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Thức ăn đường phố tiện dụng, giá rẻ nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới, TĂĐP là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, nơi công cộng. TĂĐP tiện dụng, giá rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với sức khỏe con người, do người bán thường không hoặc ít hiểu biết về việc bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Việc bảo quản, chế biến TĂĐP thường không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh theo quy định dễ khiến đồ ăn, thức uống bị ô nhiễm, mất ATTP. Đây là những mối nguy lớn cho sức khỏe con người. Phần lớn TĂĐP được kinh doanh theo thời vụ, không cố định về thời gian, không gian, nhỏ, lẻ, không có giấy phép kinh doanh. Đặc thù của loại hình kinh doanh này khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cả nước xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Gần đây, trên địa bàn TP.HCM xảy ra một số vụ ngộ độc cấp tính liên quan đến độc tố botulinum do ăn chả lụa không rõ nguồn gốc của người bán rong và mắm để lâu ngày. Bà Nguyễn Thị Hạnh (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) chia sẻ: “TĂĐP bán ở nhiều nơi, tiện dụng, giá rẻ nên nhiều người chọn mua, nhất là giới trẻ. Các con tôi cũng thường sử dụng các loại TĂĐP. Gần đây, một số tỉnh, thành xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm TĂĐP nên tôi rất lo lắng”.

Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, toàn tỉnh Long An hiện có trên 6.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quản lý. Thực tế con số này có thể nhiều hơn bởi còn không ít cơ sở nhỏ, lẻ. Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Đoàn Thanh Chiến, để bảo đảm ATTP khi kinh doanh TĂĐP, nơi kinh doanh phải cách biệt các nguồn ô nhiễm; phải sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh; đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay. Đồ dùng cho ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn phải vệ sinh. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm. Khi bán rong, dụng cụ, khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống phải hợp vệ sinh, chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Thực phẩm phải được để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh. Nước thải phải được thu gom, không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh; phải có dụng cụ thu gom rác và đồ phế thải bảo đảm vệ sinh. Nước dùng để chế biến phải đủ, vệ sinh và phù hợp quy định. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm cần có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và bảo đảm an toàn theo quy định.

Bên cạnh đó, người kinh doanh TĂĐP cần tuân thủ quy định về kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp chế biến: Được khám sức khỏe và có giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định; trang phục sạch sẽ và gọn gàng; dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn hoặc sử dụng kẹp, gắp thức ăn, đồ uống ăn ngay.

Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến TĂĐP. Người kinh doanh TĂĐP cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cần thông thái, lựa chọn cơ sở cung cấp, kinh doanh dịch vụ ăn uống được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép để tránh bị ngộ độc thực phẩm cũng như mắc bệnh do sử dụng thực phẩm không an toàn./.

Thùy Minh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thuc-an-duong-pho-tien-nhung-khong-loi-a156006.html